Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

Cấu tạo bóng hình_CRT máy thu hình

Ống CRT (Cathode-ray- tube ) được dùng phổ biến trong các thiết bị gia dụng. Các máy thu hình cũng như máy tính PC thường dùng kỹ thuật hiển thị bằng CRT. Kích thước màn hình của CRT không qua 40inch. Kỹ thuật hiển thị của ống CRT theo nguyên lý rọi mặt sau PTV. Màn hiển thị chính là một mặt chỏm cầu của ống chân không. Trong ống các tia điện tử (trong CRT màu có 3 tia điện tử đỏ R, Lục G, lam B) từ các catốt phóng ra. Do sự điều khiển của cuộn lái tia, tia điện tử đập vào điểm phát quang tương ứng trên màn.


Hình 1 biểu thị sự hoạt động của chùm tia điện tử trong ống chân không.




Màn sáng có gắn hàng trăm ngàn điểm phát quang - gọi là nguyên tố ảnh pixel. Mắt người quan sát được nội dung hình ảnh do các pixel phát quang qua lớp thủy tinh bảo vệ. Chất lượng của hình hoàn toàn phụ thuộc sự hoạt động của các tia điện tử (cathode ray) ở bên trong ống chân không. Với nhiều kiểu ống, chất lượng hình của ống CRT có độ tương phản (contrast) cao, độ bão hòa màu (chrominance saturation) cao. Tuy vậy, CRT có khuyết điểm là tiêu hao nhiều năng lượng, trọng lượng của ống lớn.

Câu chuyện về chiếc tivi số phận và tương lai

Những chiếc tivi CRT to đùng đã dần thoái trào để nhường chỗ cho các dòng tivi LCD và Plasma ngày cảnh mảnh mai. Thế nhưng trong tương lai gần, những chiếc tivi LCD và Plasma khá mỏng này cũng sẽ bị cạnh tranh quyết liệt từ dòng tivi LED, OLED và 3D. Thực tế cho thấy, chưa bao giờ thị rường tivi lại "rối" như lúc này, rất nhiều chủng loại khác nhau được chào bán với giá cả "làm khó" cho sự lựa chọn của người mua. Để lựa chọn cho mình một chiếc tivi tốt và phù hợp với nhu cầu cụ thể không phải là chuyện dễ dàng, người tiêu dùng cần hiểu rõ bản chất "ưu khuyết’ của từng loại để tránh chọn sai và lãng phí.

Tivi CRT "truyền thống" - lay lắt...
Công nghệ phát hình bằng bóng đèn hình có tuổi thọ đã 69 năm (chiếc tivi đèn hình chính thức xuất hiện từ năm 1939). Do đặc trưng về cấu tạo kỹ thuật nên tivi CRT có kích thước và trọng lượng khá lớn. Chính vì hai nhược điểm trên mà giới hạn của kích thước khung hình lớn nhất hiện nay của dòng tivi này cũng chỉ dừng lại ở mức 29 inch mà thôi.
Ưu điểm: Hiện nay dòng tivi này có giá thành rẻ, dễ sửa chữa vì có nhiều linh kiện thay thế. Tương thích với tín hiệu phát sóng ở VN cũng như khung hình dạng 4:3 chuẩn, không gây biến dạng hình ảnh khi xem các kênh truyền hình analog.
Khuyết điểm: To, nặng, vận chuyển khó khăn, tần số quét hình thấp (chủ yếu ở 50 - 60Hz) nên gây hiện tượng mỏi mắt khi xem nhiều, không thể phát hình ảnh chuẩn HD (High Definition - độ rõ nét cao), phát ra các tia bức xạ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng nếu xem tivi trong thời gian dài. Một nhược điểm khác của tivi CRT là "không thời trang" cho những không gian đẹp và sang trọng.
Cách đây chừng 5 năm, để "cứu vớt" chiếc tivi CRT đang trên đà dự báo là sẽ "tiệt vong", các hãng sản xuất điện tử hàng đầu trên thế giới như Sony, Toshiba, LG, Samsung..., do đã làm chủ được công nghệ bóng đèn hình CRT, đã cho ra đời thế hệ tivi CRT Slim có kích thước mỏng hơn, nhẹ hơn cũng như chất lượng hình ảnh hiển thị đã được nâng lên đáng kể. Đây là dòng tivi được nhiều người, chủ yếu là đối tượng có thu nhập thấp quan tâm khi họ chưa có điều kiện mua những chiếc tivi có công nghệ hiện đại hơn như tivi LCD chẳng hạn. Với giá vừa phải, tivi CRT Slim còn được bổ sung thêm các tính năng mới như: chóng méo hình bốn gốc, tần số quét đạt đến 100Hz giúp đỡ mỏi mắt khi xem lâu, loa cho âm thanh vòm 3D và màu sắc trung thực hơn các thế hệ trước. Nhưng chiếc tivi này chỉ có kích thước 29 inch, vẫn không đạt chuẩn HD và thiếu nhiều ngõ giao tiếp hiện đại.
Chiếc tivi CRT đã phát triển tới giai đoạn cuối, mặc dù tăng tầng số quét lên đến 100Hz cùng các công nghệ tạo hình ảnh đẹp nhất có thể nhưng vẫn không thể nào sánh kịp những TV LCD, plasma, LED, OLED từ kiểu dáng cho đến chất lượng hiển thị hình ảnh. Vào thời điểm hiện tại, tuổi thọ của các loại tivi CRT, LCD, plasma, LED tương đương nhau (khoảng 45.000 giờ, tương đương 5 năm xem liên tục 24/24). Những chiếc tivi CRT giờ đã chuyển đổi địa bàn hoạt động: tiến về nông thôn, nhường phố thị cho những chiếc tivi LCD, LED...
 
Tivi LCD - thống lĩnh phố thị
Công nghệ màn hình LCD được sử dụng rộng rãi từ những năm 1970 với những sản phẩm đầu tiên là mặt của những chiếc đồng hồ điện tử. Màn hình LCD là một dạng tinh thể lỏng được ghép giữa hai tấm thủy tinh nền, nó thay đổi tính chất khi có dòng điện chạy qua. Ban đầu LCD chỉ là loại màn hình đen trắng nhưng sau này được phát triển thêm màu. Về công nghệ phát sáng, chiếc tivi LCD cần một hệ thống đèn chiếu sáng lưng (đèn huỳnh quang âm cực lạnh CCFL) để hiển thị hình ảnh vì bản thân nó không tự phát sáng được.
Ngày nay, tivi LCD đang là mặt hàng đang "làm mưa làm gió" trên thị trường do hình dáng bắt mắt, màu sắc rực rỡ, nhiều cổng kết nối, hỗ trợ nhiều chuẩn hình phân giải cao cùng giá ngày càng xuống thấp. Ngày xưa, tivi LCD là mơ ước của nhiều người tiêu dùng vì giá quá "chát"; còn giờ đây, với kích thước 32 inch, nhiều hãng đã hạ giá chỉ còn khoảng 5,4 - 8 triệu đồng. Các doanh nghiệp trong nước như Tiến Đạt, Hanel, Viettronic Tân Bình, gần đây là Đông Á (với nhãn hiệu tivi SAM) đã sản xuất mặt hàng này nhưng vì chất lượng và kiểu dáng không đẹp nên chấp nhận thua cuộc ngay chính trên mảnh đất Việt.
Chiếc tivi LCD có những ưu điểm: mỏng, nhẹ, thiết kế đẹp, có thể treo lên tường nhà tiết kiệm không gian, hình ảnh đạt chuẩn HD (720p/1080p), màu sắc trung thực, nhiều cổng giao tiếp như HDMI, Component, VGA, Optical..., hiển thị hình ảnh trong môi trường nhiều ánh sáng tốt hơn các dòng tivi khác, tiết kiệm điện...
Nhưng dòng tivi này còn khá nhiều khuyết điểm chủ quan và khách quan. Do dùng đèn chiếu sáng nền "backlight" nên tông màu đen/trắng của tivi LCD không trung thực bằng tivi Plasma. Nếu dùng tivi LCD thưởng thức phim HD hay chơi game sẽ "hợp mắt" hơn coi chương trình truyền hình vì dòng tivi LCD thuộc dạng wide 16:9, còn các chương trình truyền hình trong nước lại phát chuẩn 4:3, gây ra hiện tượng "lùn hình".
Khi mua tivi LCD dùng để xem hình ảnh từ đĩa DVD và các chương trình truyền hình, bạn chỉ cần chọn các dòng LCD giá rẻ vì khó phân biệt chất lượng hình ảnh giữa dòng cao cấp và phổ thông bằng mắt thường. Còn nếu có khả năng tài chính và thường xem phim HD, hãy đầu tư một chiếc tivi LCD Full-HD.
Tivi plasma - bỏ thì thương...
Dòng tivi này từ khi sinh ra đã gặp khá nhiều lời khen chê, nếu so sánh với tivi LCD. Sau nhiều năm không ngừng cải tiến, có thể nói plasma đã "hoàn thiện" hơn rất nhiều. Có thể kể đến những yếu tố như: giảm kích thước, mỏng hơn, tăng độ phân giải lên 1080p, giá thành sản xuất ngang bằng với LCD. Đặc biệt, hiện nay tivi plasma có thể tạo ra những tấm nền (plasma display panel - PDP) với kích thước nhỏ (26 inch) đến lớn (150 inch).
Dù ít được người tiêu dùng quan tâm, nhưng về mặt kỹ thuật, tivi plasma có những ưu điểm như: hình ảnh đạt chuẩn HD (720p/1080p), khả năng hiển thị hình ảnh có chiều sâu và màu sắc chân thật hơn nhiều so với tivi LCD. Dòng tivi này đáp ứng những hình ảnh chuyển động nhanh cũng như những mảng màu tối tốt hơn tivi LCD. Còn góc nhìn "thực" rộng hơn nhiều so với tivi LCD (một vài LCD ghi là góc nhìn 1780 nhưng thực tế thấp hơn). Tivi plasma dùng để xem truyền hình tại Việt Nam cho hình ảnh tốt hơn tivi LCD nhiều. Khuyết điểm của dòng tivi này là thường xuyên xảy ra hiện tượng "chết hình" khi hiển thị cùng một hình ảnh hay một chi tiết trong thời gian dài. Tivi plasma thường hư bộ phận nguồn và hao điện hơn tivi LCD.
Plasma thích hợp với những căn phòng thiếu ánh sáng, phù hợp với phim hành động. Nếu chọn mua tivi plasma nên "chấm" những tên tuổi lớn là Pioneer, Samsung, LG và Panasonic vì đây là những hãng còn "mặn mà" với công nghệ plasma. Hiện trên thị trường có bán khoảng vài chục model tivi plasma có kích thước từ 42 inch trở lên với giá thấp nhất là 12 triệu đồng. Rẻ hơn tivi LCD cùng kích thước.
Tivi LED - vẫn còn là chuyện tương lai
Công nghệ chiếu sáng bằng đèn nền LED đang ngày càng được nhiều hãng sử dụng trong sản xuất tivi LCD. Thay vì sử dụng đèn huỳnh quang CCFL trong thế hệ đầu tiên của LCD, các tấm nền LCD thế hệ mới được chiếu sáng bằng rất nhiều đèn LED nhỏ. Samsung gọi đây là những chiếc tivi LED, còn trong ngành công nghiệp điện tử, chúng vẫn được gọi là tivi LCD thế hệ đèn LED. Có hai kiểu bố trí đèn nền LED: gắn trực tiếp phía sau panel như LCD và gắn xung quanh (phía sau) màn hình LCD. Lợi thế của việc gắn trực tiếp nhằm điều chỉnh tăng hoặc giảm chế độ tương phản bằng cách cho một số đèn LED tắt để tăng khả năng thể hiện màu đen sâu hơn. Còn kỹ thuật gắn xung quanh cho phép tạo ra những màn hình mỏng, thời trang. Sony là hãng đầu tiên cho ra đời tivi LED chứ không phải Samsung; nhưng Samsung phát triển và thương mại hóa tivi LED tốt hơn.
Vì có thiết kế đèn như vậy nên chiếc tivi LED có thiết kế bề dày mỏng, nhẹ, tiết kiệm điện, màu sắc sáng rực rỡ hơn với tần số quét cao (200Hz), có nhiều tiện ích bổ sung như: kết nối Wi-Fi, xem phim HD trực tiếp, chia sẻ và kết nối không dây đến các thiết bị số trong gia đình.
Dù trên thị trường Việt Nam đã có khoảng 8 - 10 model tivi LED của 3 hãng: Sony, Samsung và LG nhưng giá vẫn còn cao (thấp nhất là model Samsung B6000 - 14,9 triệu đồng) nên dòng sản phẩm này chưa được người tiêu dùng quan tâm.
Thế hệ tivi LED chỉ là bước chuyển tiếp từ LCD lên OLED mà thôi, đa phần các hãng sản xuất tivi trên thế giới đang tập trung cho kế hoạch OLED nên LED sẽ bị "quay lưng" trong thời gian gần tới đây. Còn nếu ngay từ bây giờ không thể đợi nổi thế hệ tivi OLED (giá sẽ rất cao) thì tivi LED là sự lựa chọn hợp lý.

Tivi OLED & 3D - 5 năm nữa!
Về công nghệ, dòng tivi OLED sẽ là sự thay thế hoàn hảo cho tivi LCD bởi có thể thiết kế mỏng hơn, tiết kiệm điện hơn và cho hình ảnh đẹp hơn rất nhiều lần những thế hệ tivi LCD, plasma hiện nay. Panel của tivi OLED cấu tạo từ các tấm mỏng có nguồn gốc từ hợp chất hữu cơ có khả năng phát ánh sáng khi được cung cấp điện năng, kỹ thuật này ưu việt hơn hẳn cách chiếu ánh sáng nền từ phía sau như màn hình LCD, LED và plasma. Hình ảnh của tivi OLED sáng và rõ nét nhưng tiêu thụ ít điện năng hơn công nghệ màn hình LED hay LCD. Công nghệ này cho phép sản xuất những chiếc tivi dày chỉ vài mm và thậm chí có thể cuộn lại khi không dùng đến. Hiện màn hình OLED có kích thước nhỏ đang được dùng khá nhiều trong các thiết bị như: ĐTDĐ, smartphone, PDA, máy nghe nhạc số... Sony là hãng sản xuất đầu tiên trên thế giới chính thức bán ra màn hình OLED 11 inch mang tên XEL-1 (giá 2.500 USD). Tại Triễn lãm CES 2010 vừa qua, Sony đã tiếp tục ghi kỷ lục mới cho thị trường bằng chiếc tivi OLED kích thước đến 24,5 inch. Các hãng khác như LG, Samsung, Toshiba, Panasonic... cũng đang ráo riết đưa công nghệ OLED này vào sản phẩm của họ trong năm 2010. Tivi OLED vẫn còn hạn chế về kích thước và giá thành sản xuất ra tấm nền (panel) còn quá cao. Cần phải thêm một thời gian nữa thì những tivi công nghệ OLED này mới được phổ cập rộng rãi hơn vì chờ đợi giá rẻ và cũng là điều kiện để kiểm tra độ bền và sự ổn định về công nghệ.
Sony cũng là hãng sản xuất tivi đầu tiên giới thiệu chiếc tivi Bravia 3D kết hợp với máy chơi game PS3 trình diễn trò chơi đua xe và người xem phải đeo một loại kính đặc biệt để có thể chiêm ngưỡng các hình ảnh nổi y như thật. Cùng với việc hàng loạt những bộ phim 3D ra mắt trên thế giới trong thời gian qua, điều đó chứng tỏ càng ngày người ta càng muốn xem những hình ảnh chân thực và sống động hơn. Chiếc tivi 3D hoạt động bằng cách liên tục thay đổi khung hình bên trái và phải của video. Người xem đeo kính đồng bộ với màn hình. Mắt trái chỉ nhìn được khung hình trái và mắt phải cho khung phải, tạo ảo giác về độ sâu. Để quay những phim 3D cần phải sử dụng 2 máy quay riêng biệt được đặt cạnh nhau (hoặc một máy nhưng 2 "mắt"), chúng có hoạt động, và căn hình giống như mắt người giúp có thể nhìn được bên trái và phải một hình ảnh. Những hình ảnh này sau đó sẽ được thu thập rồi chỉnh sửa và chuyển thành những hình ảnh 3D thông qua một bộ xử lý chuyên biệt.
Nghe thì đơn giản như vậy nhưng để có được chiếc tivi 3D là một mặt hàng bán rộng rãi trên thị trường, chắc phải chờ... 10 năm nữa. Chờ vậy!
CRT: cathode ray tube, bóng đèn chân không.
LCD: liquid crystal display, màn hình tinh thể lỏng.
Plasma: plasma display panel (PDP), hỗn hợp khí hiếm trong các cell được kích điện biến thành thể plasma phát ra ánh sáng cực tím mà sau đó kích thích chất phosphor phát ra ánh sáng có thể nhìn thấy được.
LED: light-emitting diode, diode phát quang.
OLED: organic light-emitting diode, diode phát quang hữu cơ.
Nguồn : mediazone.vn

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Phân tích sơ đồ khối Máy thu hình

Phân tích sơ đồ khối Máy thu hình
Nội dung : Phân tích sơ đồ khối của máy thu hình đen trắng, Mô tả sự hoạt động của đài truyền hình.
       1. Sơ đồ khối Ti vi đen trắng.

 
Sơ đồ khối máy thu hình đen trắng .
    Máy thu hình đen trắng là hội tụ tất cả những kiến thức cơ bản của kỹ thuật truyền hình, hiểu máy thu hình đen trắng là cơ sở để tiếp cận với máy thu hình mầu và máy thu hình kỹ thuật số.
   Máy thu hình đen trắng bao gồm các khối chính sau :
  • Bộ kênh : Có nhiệm vụ thu tín hiệu sóng mang từ các đài phát sau đó đổi tần về tín hiệu IF, cung cấp cho mạch khuếch đại trung tần.
  • Khối trung tần : Khuếch đại tín hiệu trung tần và tách sóng thị tần để tách tín hiệu Video tổng hợp ra khỏi sóng mang , tín hiệu thu được sau tách sóng gồm có tín hiệu Video, xung H.syn, xung V.syn và tín hiệu FM.
  • Tầng khuếch đại thị tần :  Từ tín hiệu Video tổng hợp, tín hiệu video được tách ra đi vào tầng khuếch đại thị tần, tầng KĐ thị tần khuếch đại tín hiệu video lên biên độ đủ mạnh rồi đưa vào Katôt đèn hình để điều khiển dòng phát xạ, tái tạo lại hình ảnh trên màn hình.
  • Đèn hình : Chuyển đổi tín hiệu truyền hình thành hình ảnh quang học, khôi phục lại ảnh giống phía phát.
  • Khối đồng bộ : Hai xung đồng bộ được gửi sang máy thu từ phía phát có nhiệm vụ điều khiển khối quét dòng và quét mành của máy thu quét cùng tần số như bên phát để khôi phục lại hình ảnh, hai xung này được tách ra sau tách sóng thị tần và được khuếch đại qua khối đồng bộ, sau đó xung H.syn đi tới điều khiển mạch dao động dòng, xung V.syn đi tới điều khiển mạch dao động mành.
  • Khối quét dòng : Nhiệm vụ của khối quét dòng là tạo  ra các mức điện áp cao cung cấo cho đèn hình hoạt động, đồng thời cung cấp xung dòng cho cuộn lái ngang để lái tia điện tử quét theo chiều ngang.
  • Khối quét mành : Nhiệm vụ của khối quét mành là tạo ra xung mành cung cấp cho cuộn lái tia, lái tia điện tử dãn theo chiều dọc
  • Khối đường tiếng : Khuếch đại tín hiệu điều tần FM, sau đó tách sóng điều tần để lấy ra tín hiệu âm tần và khuếch đại qua tầng công xuất rối đưa ra loa.
 Mô tả sự hoạt động của đài truyền hình




Nguồn: kythuatvien.vn

Máy thu thanh và những câu hỏi cần trả lời.

Câu 1: Thế nào là máy thu thanh?
Câu 2: có mấy loại máy thu thanh?
Câu 3: Làm thế nào để truyền âm thanh (tín hiệu âm tần) đi xa?
Câu 4: Thế nào là điều chế? Điều chế AM khác điều chế FM như thế nào?
Câu 5: Em cho biết nguyên lý làm việc của mạch dao động LC
Câu 6: Tần số dao động của mạch LC được tính như thế nào
Câu 7: Muốn thay đổi tần số của mạch dao động ta làm như thế nào?
Câu 8: Tại sao khi tháo anten của máy thu thanh thì độ nhạy của máy thu giảm đi?
Câu 9: Khi ta vặn núm chọn sóng tức là ta đang tác động vào khối nào? cụ thể là linh kiện nào?
Câu 10: Tại sao ở một thời điểm máy thu thanh chỉ thu được 1 sóng ?
Câu 11: Máy thu thanh gồm những khối nào? Tóm tắt chức năng của từng khối?
Câu 12: Sơ đồ mạch tách sóng gồm những linh kiện cơ bản nào? Nêu chức năng từng linh kiện?
Câu 13: Nêu tóm tắt nguyên lý làm việc của mạch tách sóng?
Câu 14: Theo em đồ thị dạng sóng từ khuếch đại trung tần vẽ như trong sách giáo khoa là đúng hay sai?
Câu 15: Máy thu thanh AM có tần số sóng trung tần là bao nhiêu?
Câu 16: Máy thu thanh FM có tần số sóng trung tần là bao nhiêu?
Câu 17: Trong 2 loại sóng AM, Fm sóng nào cho chất lượng âm thanh tốt hơn?
Câu 18: Tại sao khi bắt sóng AM lại hay bị nhiễu sóng khi có thiết bị phát sóng ở gần ví dụ: xe máy, ô tô đang chạy hoặc sóng điện thoại?
Câu 19: Em hãy cho biết lịch sử phát triển của máy thu thanh?
Câu 20: Micro hoạt động như thế nào?
Câu 21: Em hãy mô tả quá trình phát tín hiệu âm thanh ở đài phát?
Câu 22: Cho biết quá trình truyền sóng trong không gian?
Câu 23: Quá trình phát sóng AM khác FM như thế nào?

Nguyên lý thu sóng Radio băng AM , FM

1. Nguyên lý thu sóng Radio băng AM
a)  Sơ đồ khối của Radio băng AM :
Sơ đồ khối mạch Radio băng AM
Xung quanh máy thu thanh có vô số các sóng điện từ từ các đài phát khác nhau gửi tới, nhiệm vụ của máy thu là chọn lấy một tần số rồi khuyếch đại , sau đó tách sóng để lấy ra tín hiệu âm tần. Mạch thu sóng Radio AM có các mạch như sau :
·         Mạch cộng hưởng và khuếch đại cao tần (RF Amply) thu tín hiệu từ một đài phát bằng nguyên lý cộng hưởng, sau đó khuếch đại tín hiệu cho đủ mạnh cung cấp cho mạch đổi tần .
·         Mạch dao động nội ( OSC )  tạo dao động cung cấp  cho mạch đổi tần .
·         Mạch đổi  tần ( Mixer ) trộn hai tín hiệu RF và tín hiệu OSC để tạo ra tín hiệu trung tần IF, IF là tín hiệu có tần số cố định bằng 455KHz
·         Mạch khuếch đại trung tần ( IF Amply ) : Khuếch đại tín hiệu IF lên biên độ đủ lớn cung cấp cho mạch tách sóng .
·         Mạch tách sóng ( Detect ) Tách tín hiệu âm tần ra khỏi sóng mang cao tần .
b) Mạch cộng hưởng cao tần, dao động nội và đổi tần.

Mạch cộng hưởng RF, dao động OSC & đổi tần Mixer
Chú thích :
·         Mạch cộng hưởng cao tàn (RF Amply) bao gồm : Tụ xoay C1 đấu song song với cuộn dây L1 quấn trên thanh ferit tạo thành mạnh mạch dao động LC, mạch thu sóng theo nguyên lý cộng hưởng, có rất nhiều sóng mang có tần số khác nhau từ các đài phát cùng đi tới máy thu, khi tần số dao động của mạch trùng với sóng mang của một đài phát thì tín hiệu sóng mang của đài phát đó được cộng hưởng và biên độ tăng lên gấp nhiều lần, tín hiệu này được thu vào thông qua cuộn thứ cấp của cuộn dây và được  khuếch đại qua đèn Q1, sau đó đưa sang mạch đổi tần, C1 là tụ xoay có thể thay đổi giá trị, khi ta chỉnh núm Tuning chính là chỉnh tụ xoay C1 làm trị số C1 biến đổi => tần số cộng hưởng của mạch thay đổi .
·         Mạch OSC gồm tụ xoay C2 đấu song song với cuộn L2 tạo thành mạch dao động, tụ xoay C2 được gắn chung với tụ C1 và hai tụ này đựơc chỉnh để thay đổi giá trị đồng thời, dao động nội có tần số luôn luôn thấp hơn tần số cộng hưởng RF một lượng không đổi.
·         Mạch đổi tần : đèn Q2 làm nhiệm vụ đổi tần, tín hiệu cao tần RF được đưa vào cực B, tín hiệu dao động nội được đưa vào cực E , tín hiệu lấy ra trên cực C gọi là IF ( tín hiệu trung tần) có giá trị không đổi bằng 455KHz
IF = RF - OSC
c) Mạch chuyển băng
Băng sóng AM thường được chia ra làm hai hoặc ba băng là
-  Băng sóng trung MW có dải tần từ 526,5KHz đến 1606,5KHz
-  Băng sóng ngắn 1 :  SW1 có dải tần từ 2,3MHz đến 7,3MHz
-  Băng sóng ngắn 2 : SW2 có dải tần từ 7,3MHz đến 22MHz
Dưới đây là sơ đồ mạch chuyển băng, khi ta chuyển giữa các băng sóng, tụ xoay sẽ tiếp vào các điểm được đấu với cuộn dây có số vòng dây khác nhau => làm cho tần số cộng hưởng thay đổi.

Chuyển băng giữa các băng sóng Radio AM
d) Mạch khuếch đại trung tần ( IF Amply)

Mạch khuếch đại trung tần IF Amply
Sau khi đổi tần, tín hiệu IF được khuếch đại qua hai tầng khuếch đại có cộng hưởng, các biến áp trung tần T1, T2, T3 cộng hưởng ở tần số 455KHz đồng thời làm nhiệm vụ nối tầng và phối hợp trở kháng . các biến áp này có vít điều chỉnh nhằm điều chỉnh cho biến áp cộng hưởng đúng tần số .
e) Mach tách sóng AM

Mạch tách sóng AM
Sau khi tín hiệu IF được khuếch đại qua hai tầng khuếch đại trung tần, tín hiệu IF được đưa sang mạch tách sóng
Mạch tách sóng bao gồm Diode D1 tách lấy bán kỳ dương của tín hiệu sau đó được mạch lọc RC ( R1, C1, C2) lọc bỏ thành phần cao tần , ở đầu ra ta thu được tín hiệu âm tần là đường bao của tín hiệu cao tần.
Chính mạch lọc RC của mạch tách sóng AM đã loại bỏ mất các thành phần tần số cao của tín hiệu âm tần, do đó chất lượng âm thanh bị giảm.
2. Nguyên lý thu sóng Radio băng FM

Mạch Radio sử dụng IC xử lý cho cả hai băng sóng AM (mầu đỏ ) và FM( mầu xanh)
Băng sóng FM có mạch RF và OSC tương tự băng sóng AM , tuy nhiên tần số của băng FM cao hơn rất nhiều băng sóng AM vì vậy các cuộn dây cộng hưởng cho băng sóng FM thường không có lõi ferit,  mạch IF của băng FM sử dụng thạch anh cộng hưởng ở tần số 10,7 MHz
nguồn kythuatvien.vn

Nguyên lý phát thanh trên sóng AM , FM

   1. Nguyên lý phát thanh trên sóng AM
   a) Khái niệm về tín hiệu âm tần ( Audio ) :
        Tín hiệu âm tần là tín hiệu của sóng âm thanh sau khi được đổi thành tín hiệu điện thông qua Micro.
   Sóng âm thanh là một dạng sóng cơ học truyền trong không gian, khi sóng âm thanh va chạm vào màng Micro làm cho màng Micro rung lên, làm cho cuộn dây gắn với màng Micro được đặt trong từ trường của nam châm dao động, hai đầu cuộn dây ta thu được một điện áp cảm ứng => đó chính là tín hiệu âm tần .

Micro đổi sóng âm thanh thành tín hiệu âm tần (Audio)
    Tín hiệu âm tần có giải tần từ 20Hz đến 20KHz và không có khả năng bức xạ thành sóng điện từ để truyền trong không gian, do đó để truyền tín hiệu âm tần đi xa hàng trăm, hàng ngàn Km. Người ta phải giử tín hiệu âm tần cần truyền vào sóng cao tần gọi là sóng mang, sau đó cho sóng mang bức xạ thành sóng điện từ truyền đi xa với vận tốc ánh sáng.
   b) Khái niệm về tín hiệu cao tần và sóng điện từ.
     Tín hiệu cao tần là các tín hiệu điện có tần số trên 30KHz, tín hiệu cao tần có tính chất bức xạ thành sóng điện từ. Thí dụ trên một dây dẫn có tín hiệu cao tần chạy qua , thì dây dẫn có một sóng gây can nhiễu ra xung quanh, đó chính là sóng điện từ do dòng điện cao tần bức xạ ra không gian.
     Sóng điện từ : Là sóng truyền dẫn trong không gian với vận tốc bằng vận tốc ánh sáng, có tần số từ 30KHz đến hàng ngàn MHz, cong người đã sử dụng sóng điện từ trong các lĩnh vực thông tin , vô tuyến điện , truyền thanh, truyền hình, trong đó Radio là lĩnh vực truyền thanh chiếm giải tần từ 30KHz đến khoảng 16MHz với các sóng điều chế AM, và từ 76MHz đến 130MHz với các sóng điều chế FM.
   c) Quá trình điều chế AM ( Amplitude Moducation : Điều chế biên độ )
    Điều chế AM là quá trình điều chế tín hiệu tần số thấp(  như tín hiệu âm tần, tín hiệu video ) vào tần số cao tần theo phương thức => Biến đổi biên độ tín hiệu cao tần theo hình dạng của tín hiệu âm tần => Tín hiệu cao tần thu được gọi là sóng mang.


Tín hiệu vào và ra của mạch điều chế AM
    Tín hiệu âm tần có thể lấy từ Micro sau đó khuếch đại qua mạch khuếch đại âm tần, hoặc có thể lấy từ các thiết bị khác như đài Cassette, Đầu đĩa CD ..
    Tín hiệu cao tần được tạo bởi mạch tạo dao động, tần số cao tần là tần số theo quy định của đài phát.
    Tín hiệu đầu ra là sóng mang có tần số bằng tần số cao tần, có biên độ thay đổi theo tín hiệu âm tần.
 d) Quá trình phát tín hiệu ở đài phát .

Quá trình phát sóng Radio AM
     Tín hiệu sau khi điều chế thành sóng mang được khuếch đại lên công xuất hàng ngàn Wat sau đó được truyền ra Anten phát .
   Sóng điện từ phát ra từ Anten truyền đi trong không gian bằng vận tốc của ánh sáng, sóng AM có thể truyền đi rất xa hàng ngàn Km và chúng truyền theo đường thẳng, và cũng có các tính chất phản xạ, khúc xạ như ánh sáng.
   e) Đường truyền từ đài phát đến máy thu cách  nửa vòng trái đất.
    Với các đài phát ở xa cách chúng ta nửa vòng trái đất như đài BBC phát từ Anh Quốc, sóng điện từ truyền theo đường thẳng gặp tầng điện ly chúng phản xạ xuống trái đất rồi lại phản xạ ngược lên nhiều lần mới đến được máy thu, vì vậy tín hiệu đi tới máy thu rất yếu và sóng không ổn định
   Để có thể truyền tín hiệu đi xa, các đài phát thường phát ở băng sóng ngắn có tần số sóng mang  từ 4 MHz đến khoảng 23 MHz .


Đường truyền sóng của các Đài phát ở xa máy thu
   f) Ưu và nhược điểm của phát thanh trên sóng AM
 
   Ưu điểm :
của sóng AM là có thể truyền đi xa tới hàng nghìn Km
     Nhược điểm : của sóng AM là dễ bị can nhiễu, dải tần âm thanh bị cắt sén do đặc điểm của mạch tách sóng điều biên, do đó chất lượng âm thanh bị  hạn chế.
    2. Nguyên lý phát thanh trên sóng FM
    FM là viết tắt của ( Fryquency Moducation : Điều chế tần số ) là điều chế theo phương thức làm thay đổi tần số của tín hiệu cao tần theo biên độ của tín hiệu âm tần, khoảng tần số biến đổi là 150KHz
    Sóng FM  là sóng cực ngắn đối với tín hiệu Radio, sóng FM thường phát ở dải tần từ 76MHz đến 108MHz
    a) Mạch điều chế FM

Điều chế FM ( Fryquency Moducation : Điều chế tần số )
    Với mạch điều chế tần số thì sóng mang có biên độ không đổi, nhưng tần số thay đổi theo biên độ của tín hiệu âm tần, khi biên độ tín hiệu âm tần tăng thì tần số cao tần tăng, khi biên độ âm tần giảm thì tần số cao tần giảm.  Như vậy sóng mang FM có tần số tăng giảm theo tín hiệu âm tần và giới hạn tăng giảm này là +150KHz và -150KHz , như vậy tần số sóng mang điều tần có dải thông là 300KHZ.
   Thí dụ nếu đài tiếng nói việt nam phát trên sóng FM 100MHz thì nó truyền đi một dải tần từ 99,85 MHz đến 100,15 MHz.
     b) Quá trình phát sóng FM
    Quá trình phát sóng FM tương tự như phát sóng AM, sóng mang sau khi điều chế cũng được khuếch đại rồi đưa ra An ten để phát xạ truyền đi xa
   c) Ưu và nhược điểm của sóng FM .
    Sóng FM có nhiều ưu điểm về mặt tần số, dải tần âm thanh sau khi tách sóng điều tần có chất lượng rất tốt,  cho âm thanh trung thực và có thể truyền âm thanh Stereo , sóng FM ít bị can nhiễu hơn só với sóng AM.
    Nhược điểm của sóng FM là cự ly truyền sóng ngắn, chỉ truyền được cự ly từ vài chục đến vài trăm Km , do đó sóng FM thường được sử dụng làm sóng phát thanh trên các địa phương.
Nguồn kythuatvien.vn

Cấu tạo màn hình tinh thể lỏng_LCD


Màn hình tinh thể lỏng (liquid crystal display, LCD) là loại thiết bị hiển thị cấu tạo bởi các tế bào (các điểm ảnh) chứa tinh thể lỏng có khả năng thay đổi tính phân cực của ánh sáng và do đó thay đổi cường độ ánh sáng truyền qua khi kết hợp với các kính lọc phân cực. Chúng có ưu điểm là phẳng, cho hình ảnh sáng, chân thật và tiết kiệm năng lượng. 
Lịch Sử
Được sản xuất từ năm 1970, LCD là một loại vật chất phản xạ ánh sáng khi điện thế thay đổi. Nó hoạt động dựa trên nguyên tắc ánh sáng nền (Back Light). Nó bao gồm một lớp chất lỏng nằm giữa 2 lớp kiếng phân cực ánh sáng. Bình thường, khi không có điện áp, các tinh thể này được xếp thẳng hàng giữa hai lớp cho phép ánh sáng truyền qua theo hình xoắn ốc. Hai bộ lọc phân cực, 2 bộ lọc màu và 2 bộ cân chỉnh sẽ xác định cường độ ánh sáng đi qua và màu nào được tạo ra trên một pixel. Khi có điện áp cấp vào, lớp canh chỉnh sẽ tạo một vùng điện tích, canh chỉnh lại các tinh thể lỏng đó. Nó không cho phép ánh sáng đi qua để hiện thị lên hình ảnh tại vị trí điểm ảnh đó. Các điểm ảnh trong màn hình LCD là một transistor cực nhỏ ở 1 trong 2 chế độ: cho phép ánh sáng đi qua hoặc không. Điểm ảnh bao gồm 3 yếu tố màu: đỏ, xanh lá, xanh dương. Các màn hình LCD trước đây thường tiêu thụ điện năng nhiều, độ tương phản thấp cho đến khi các nhà khoa học người Anh tìm ra "Biphenyl" - vật liệu chính của tinh thể lỏng, thì LCD mới thực sự phổ biến. LCD xuất hiện đầu tiên trong các máy tính cầm tay, trò chơi điện tử cầm tay, đồng hồ điện tử, … LCD ngày nay được thiết kế nhỏ gọn, nhẹ, chiếm ít không gian, chất lượng hình ảnh tốt, tiêu thụ ít năng lượng và đang thay thế dần màn hình CRT truyền thống
Cấu tạo




Cấu trúc các lớp của một màn hình tinh thể lỏng đen trắng không tự phát sáng (thường thấy trên máy tính bỏ túi).
1.Kính lọc phân cực thẳng đứng để lọc ánh sáng tự nhiên đi vào.
2.Lớp kính có các điện cực ITO. Hình dáng của điện cực là hình cần hiển thị.
3.Lớp tinh thể lỏng.
4.Lớp kính có điện cực ITO chung.
5.Kính lọc phân cực nằm ngang.
6.Gương phản xạ lại ánh sáng cho người quan sát.
Có hai kiểu cấu tạo màn hình tinh thể lỏng chính, khác nhau ở thiết kế nguồn sáng.
Trong kiểu thứ nhất, ánh sáng được phát ra từ một đèn nền, có vô số phương phân cực như các ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng này được cho lọt qua lớp kính lọc phân cực thứ nhất, trở thành ánh sáng phân cực phẳng chỉ có phương thẳng đứng. Ánh sáng phân cực phẳng này được tiếp tục cho truyền qua tấm thủy tinh và lớp điện cực trong suốt để đến lớp tinh thể lỏng. Sau đó, chúng tiếp tục đi tới kính lọc phân cực thứ hai; có phương phân cực vuông góc với kính lọc thứ nhất, rồi đi tới mắt người quan sát. Kiểu màn hình này thường áp dụng cho màn hình màu ở máy tính hay TV. Để tạo ra màu sắc, lớp ngoài cùng, trước khi ánh sáng đi ra đến mắt người, có kính lọc màu.
Ở loại màn hình tinh thể lỏng thứ hai, chúng sử dụng ánh sáng tự nhiên đi vào từ mặt trên và có gương phản xạ nằm sau, dội ánh sáng này lại cho người xem. Đây là cấu tạo thường gặp ở các loại màn hình tinh thể lỏng đen trắng trong các thiết bị bỏ túi. Do không cần nguồn sáng nên chúng tiết kiệm năng lượng. 
 Phân loại sản phẩm
1. LCD ma trận thụ động
LCD ma trận thụ động (dual scan twisted nematic, DSTN LCD) có đặc điểm là đáp ứng tín hiệu khá chậm (300ms) và dễ xuất hiện các điểm sáng xung quanh điểm bị kích hoạt khiến cho hình có thể bị nhòe. Các công nghệ được ToshibaSharp đưa ra là HPD (hybrid passive display), cuối năm 1990, bằng cách thay đổi công thức vật liệu tinh thể lỏng để rút ngắn thời gian chuyển đổi trạng thái của phân tử, cho phép màn hình đạt thời gian đáp ứng 150ms và độ tương phản 50:1. Sharp và Hitachi cũng đi theo một hướng khác, cải tiến giải thuật phân tích tín hiệu đầu vào nhằm khắc phục các hạn chế của DSTN LCD, tuy nhiên hướng này về cơ bản chưa đạt được kết quả đáng chú ý. 
2. LCD ma trận chủ động
LCD ma trận chủ động thay thế lưới điện cực điều khiển bằng loại ma trận transistor phiến mỏng (thin film transistor, TFT LCD) có thời gian đáp ứng nhanh và chất lượng hình ảnh vượt xa DSTN LCD. Các điểm ảnh được điều khiển độc lập bởi một transistor và được đánh dấu địa chỉ phân biệt, khiến trạng thái của từng điểm ảnh có thể điều khiển độc lập, đồng thời và tránh được bóng ma thường gặp ở DSTN LCD. 
3. Hoạt động bật tắt cơ bản
Nếu điện cực của một điểm ảnh con không được áp một điện thế, thì phần tinh thể lỏng ở nơi ấy không bị tác động gì cả, ánh sáng sau khi truyền qua chỗ ấy vẫn giữ nguyên phương phân cực, và cuối cùng bị chặn lại hoàn toàn bởi kính lọc phân cực thứ hai. Điểm ảnh con này lúc đó bị tắt và đối với mắt đây là một điểm tối.
Để bật một điểm ảnh con, cần đặt một điện thế vào điện cực của nó, làm thay đổi sự định hướng của các phân tử tinh thể lỏng ở nơi ấy; kết quả là ánh sáng sau khi truyền qua phần tinh thể lỏng ở chỗ điểm ảnh con này sẽ bị xoay phương phân cực đi, có thể lọt qua lớp kính lọc phân cực thứ hai, tạo ra một điểm màu trên tấm kính trước.
4. Hiển thị màu sắc và sự chuyển động

Màu sắc được tạo ra bởi sự phối màu phát xạ từ ba loại điểm ảnh đỏ, lụclam.
Hình ảnh hiện ra trên tấm kính trước là do sự cảm nhận tổng thể tất cả các điểm ảnh, ở đấy mỗi điểm ảnh mang một màu sắc và độ sáng nhất định, được qui định, theo quy tắc phối màu phát xạ, bởi mức độ sánh của ba điểm ảnh con của nó (tỉ lệ của ba màu đỏ, lụclam), tức được qui định bởi việc bật/tắt các điểm ảnh con ấy.
Để làm điều này, cùng một lúc các điện thế thích hợp sẽ được đặt vào các điểm ảnh con nằm trên cùng một hàng, đồng thời phần mềm trong máy tính sẽ ra lệnh áp điện thế vào những cột có các điểm ảnh con cần bật.
Ở mỗi thời điểm, các điểm ảnh ở một trạng thái bật/tắt nhất định - ứng với một ảnh trên màn hình. Việc thay đổi trạng thái bật/tắt của các điểm ảnh tạo ra một hình ảnh chuyển động. Điều này được thực hiện bằng cách áp điện thế cho từng hàng từ hàng này đến hàng kế tiếp (gọi là sự quét dọc) và áp điện thế cho từng cột từ cột này đến cột kế tiếp (sự quét ngang). Thông tin của một ảnh động từ máy tính được chuyển thành các tín hiệu quét dọc và quét ngang và tái tạo lại hình ảnh đó trên màn hình.
Nguồn : vi.wikipedia.org

Nguyên lý của màu sắc và mắt người




    Ánh sáng đến từ Mặt Trời gồm một phổ bức xạ điện từ gần như liên tục, với đa số năng lượng tập trung trong vùng bước sóng nằm giữa 220 và 3200 nanomét. Khi chúng truyền qua bầu khí quyển của Trái Đất, đa phần sóng ánh sáng trên 2000nm (các bước sóng hồng ngoại) bị hấp thụ bởi cacbon dioxit, hơi nước, và ozon cho nên đa số chưa bao giờ đến được mặt đất. Các sóng tử ngoại ngắn hơn cũng bị hấp thụ bởi lớp ozon. Hiệu ứng lọc lựa này của bầu khí quyển làm giới hạn phổ ánh sáng đến được mặt đất có bước sóng giữa 320 và 2000nm.

Hình 1. Các bộ cảm thụ quang hình que và hình nón trong mắt người

Mắt người nhạy cảm với một dải hẹp bức xạ điện từ nằm trong vùng bước sóng giữa 400 và 700nm, thường được gọi là phổ ánh sáng khả kiến, đó là nguồn duy nhất của màu sắc. Khi kết hợp với nhau, tất cả các bước sóng có mặt trong ánh sáng khả kiến, khoảng một phần ba toàn dải phân bố phổ truyền qua được bầu khí quyển Trái Đất, hình thành nên ánh sáng trắng không màu có thể bị khúc xạ và tán sắc thành các màu thành phần của nó bằng cách sử dụng lăng kính. Các màu đỏ, lục, và lam trước nay vốn được xem là màu cơ bản vì chúng là cơ sở cho sự nhìn của con người.


Mắt người chứa các cơ quan thụ quang tế bào hình nón (xem hình 1) gắn trong một hố nhỏ ở chính giữa võng mạc được điều chỉnh nhằm phản ứng với các bước sóng nằm trong ba vùng này (đỏ, lục, và lam) với các protein sắc tố chuyên biệt. Tất cả các màu của phổ ánh sáng khả kiến, từ tím tới đỏ, có thể được tạo ra bằng cách cộng hoặc trừ những kết hợp khác nhau của ba màu cơ bản này. Ánh sáng được con người nhận thức là trắng khi cả ba loại tế bào hình nón bị kích thích đồng thời bởi lượng ánh sáng đỏ, lục, và lam bằng nhau. Vì cộng ba màu này mang lại ánh sáng trắng, nên các màu đỏ, lục, và lam được gọi là các màu cộng cơ bản.


Khi chỉ có một hoặc hai loại tế bào hình nón bị kích thích, thì vùng màu sắc cảm nhận được bị giới hạn. Ví dụ, nếu một dải hẹp ánh sáng lục (540 đến 550nm) được dùng để kích thích tất cả các tế bào hình nón, thì chỉ có tế bào nào có chứa cơ quan thụ quang lục mới phản ứng lại, tạo ra cảm giác nhìn thấy màu lục. Sự cảm nhận các màu cộng không cơ bản, ví dụ như màu vàng, có thể phát sinh theo một trong hai cách. Nếu như các tế bào hình nón đỏ và lục bị kích thích đồng thời với ánh sáng vàng đơn sắc có bước sóng 580nm, thì mỗi cơ quan thụ quang tế bào hình nón phản ứng hầu như ngang nhau vì sự chồng lấn phổ hấp thụ của chúng xấp xỉ như nhau trong vùng này của phổ ánh sáng khả kiến. Cùng một cảm giác màu như vậy có thể thu được bằng cách kích thích từng tế bào hình nón đỏ và lục với một hỗn hợp bước sóng đỏ và lục riêng biệt chọn lựa từ các vùng thuộc phổ hấp thụ của cơ quan thụ quang không có sự chồng lấn đáng kể. Kết quả, trong cả hai trường hợp, là sự kích thích đồng thời của các tế bào hình nón đỏ và lục, tạo ra cảm giác màu vàng, mặc dù kết quả cuối cùng thu được bởi hai cơ chế khác nhau. Khả năng cảm nhận những màu sắc khác yêu cầu kích thích một, hai, hoặc cả ba loại tế bào hình nón đến mức độ khác nhau với bộ bước sóng thích hợp.


Nếu như các phần bằng nhau của ánh sáng lục và lam được cộng với nhau, thì màu thu được được gọi là màu lục lam. Tương tự như vậy, các phần bằng nhau của ánh sáng lục và đỏ tạo ra màu vàng, và các phần bằng nhau của ánh sáng đỏ và lam mang lại màu đỏ tươi. Các màu lục lam, đỏ tươi, và vàng thường được gọi là màu bù, vì mỗi phần bù thuộc các màu cơ bản trong hỗn hợp ánh sáng trắng. Màu vàng (đỏ cộng với lục) là phần bù của màu lam vì khi hai màu này cộng với nhau thì ánh sáng trắng được tạo ra. Tương tự, màu lục lam (lục cộng với lam) là phần bù của màu đỏ, và màu đỏ tươi (đỏ cộng với lam) là phần bù của ánh sáng lục.


Hình 2. Các màu cơ bản

Các màu bù (lục lam, vàng, và đỏ tươi) cũng còn được gọi là các màu trừ cơ bản vì mỗi màu có thể hình thành bằng cách trừ đi một trong các màu cộng cơ bản (đỏ, lục, và lam) từ ánh sáng trắng. Ví dụ, ánh sáng vàng được quan sát thấy khi toàn bộ ánh sáng lam bị tách khỏi ánh sáng trắng, màu đỏ tươi được hình thành khi màu lục bị lấy đi, và màu lục lam được tạo ra khi màu đỏ bị tách mất. Màu sắc quan sát thấy bằng cách trừ đi một màu cơ bản khỏi ánh sáng trắng thu được vì não cộng gộp các màu còn lại để tạo ra phần bù hoặc màu trừ tương ứng. Hình 2 minh họa các vòng màu chồng lấn của cả các màu cơ bản cộng và trừ. Những vùng chồng lấn cho biết những màu mới được tạo ra bằng cách cộng hoặc trừ những kết hợp khác nhau sử dụng sáu màu cơ bản này, và cũng cho thấy các màu cộng và trừ bù nhau như thế nào.


Khi bất kì hai màu trừ cơ bản nào được cộng lại, chúng tạo ra một màu cộng cơ bản. Ví dụ, cộng màu đỏ tươi và màu lục lam với nhau tạo ra màu lam, còn cộng màu vàng và màu đỏ tươi với nhau tạo ra màu đỏ. Tương tự, cộng màu vàng với màu lục lam tạo ra màu lục (xem hình 2). Khi cả ba màu trừ cơ bản được cộng lại, ba màu cộng cơ bản sẽ bị lấy khỏi ánh sáng trắng, để lại màu đen (không có bất kì màu nào). Màu trắng không thể tạo ra bằng bất cứ sự kết hợp nào của các màu trừ cơ bản, đó là lí do chủ yếu vì sao không có hỗn hợp nước sơn hoặc mực in nào có thể dùng để in màu trắng.


Một ví dụ hay về sự cộng màu và trừ màu là những thay đổi quan sát thấy ở màu sắc ánh sáng Mặt Trời khi Mặt Trời mọc, truyền trên bầu trời, và khi Mặt Trời lặn. Màu sắc của ánh sáng Mặt Trời thay đổi khi nó truyền qua bầu khí quyển của Trái Đất vì sự va chạm của các photon với những mật độ khác nhau của các phân tử không khí làm loại mất một số màu. Khi Mặt Trời ở cao trên bầu trời vào cuối buổi sáng hoặc đầu buổi chiều, ánh sáng trông có màu vàng. Khi Mặt Trời tiến đến đường chân trời, ánh sáng phải truyền qua phần không khí nhiều hơn và bắt đầu chuyển sang màu cam và rồi thì màu đỏ. Hiện tượng này xảy ra vì không khí hấp thụ một lượng tăng dần ánh sáng lam từ Mặt Trời, chỉ để lại những bước sóng dài hơn trong vùng đỏ của phổ ánh sáng khả kiến.


Hình 3. Sự thay đổi màu theo sự chiếu sáng

Loạt ảnh trong hình 3 là những bức cảnh chụp của một quân bài (con ba cơ), một trái ớt hình quả chuông màu lục, và một chùm nho màu tía-hơi xanh đặt trên nền tối đen. Trong bức ảnh phía bên trái (hình 3a), ba vật được rọi bằng ánh sáng trắng và trông giống như chúng ta mong đợi chúng xuất hiện dưới ánh sáng tự nhiên. Trong bức ảnh thứ hai (hình 3b), các vật được rọi bằng ánh sáng đỏ. Chú ý là quân bài phản xạ toàn bộ ánh sáng đỏ chạm tới nó, đồng thời chỉ có cuống chùm nho và những chỗ óng ánh trắng trên chùm nho và quả ớt phản xạ ánh sáng đỏ. Đa phần ánh sáng đỏ đi tới chùm nho và quả ớt đều bị hấp thụ.


Bức thứ ba của loạt ảnh (hình 3c) biểu diễn các vật dưới sự rọi sáng bằng ánh sáng màu lục. Các kí hiệu trên quân bài bây giờ trông có màu đen và thân quân bài phản xạ ánh sáng màu lục. Chùm nho phản xạ một số ánh sáng lục, còn quả ớt trông bình thường (nhưng óng ánh xanh). Bức ảnh thứ tư (hình 3d) minh họa các vật dưới sự rọi sáng màu lam. Chùm nho trông bình thường với những chỗ nổi bật màu lam, nhưng cuống thì chuyển sang đen và bây giờ không còn nhìn thấy. Quân bài phản xạ ánh sáng lam có các kí hiệu màu đen và quả ớt chỉ phản xạ ánh sáng lam ở những chỗ nổi bật. Loạt ảnh này chứng tỏ một vật trông có màu đỏ (ví dụ, trong ánh sáng trắng) hấp thụ các bước sóng lam và lục, nhưng phản xạ các bước sóng trong vùng đỏ của quang phổ. Do đó vật trông có màu đỏ.


Mắt người nhạy cảm với những sự chênh lệch rất nhỏ về màu sắc và có lẽ có khả năng phân biệt giữa 8-12 triệu sắc thái màu khác nhau. Đa số màu sắc chứa một số phần của toàn bộ bước sóng trong phổ khả kiến. Cái thực sự thay đổi từ màu này sang màu khác là sự phân bố bước sóng trong một màu cho trước. Bước sóng chiếm ưu thế xác định sắc thái cơ bản của màu sắc có thể là, ví dụ, màu tía, màu mòng két, màu be, màu hồng hoặc màu cam. Tỉ số của bước sóng ưu thế và những bước sóng khác xác định độ bão hòa màu của vật và xem nó trông bão hòa nhạt hay đậm. Cường độ màu và hệ số phản xạ của vật được quan sát xác định độ sáng của màu (ví dụ, màu lam tối hoặc lam nhạt). Điều này được minh họa thú vị bên dưới đây bằng Cây màu Munsell, trong đó mỗi màu được biểu diễn bằng một vị trí riêng ở trên cây (xem hình 4). Giá trị màu được biểu diễn bằng sự sắp đặt trên đường tròn, và độ bão hòa được biểu diễn bằng khoảng cách ngang của một màu tính từ trục ở chính giữa, và độ sáng được biểu diễn bằng vị trí đứng trên thân cây.


Hình 4. Cây màu Munsell

Phần nhiều trong bài này tập trung vào tính chất của ánh sáng trắng liên quan đến sự cộng màu và trừ màu của ánh sáng khả kiến truyền đi có thể hình dung trên màn hình máy tính hoặc ti vi. Tuy nhiên, đa số cái thực sự quan sát thấy là ánh sáng phản xạ từ những vật xung quanh chúng ta, như những người khác, nhà cửa, xe cộ, phong cảnh, vân vân… Những vật này tự chúng không tạo ra ánh sáng, mà phát ra màu bằng một quá trình gọi là phép trừ màu, trong đó những bước sóng ánh sáng nhất định bị trừ đi (hấp thụ) và những bước sóng khác thì phản xạ lại (như minh họa trong hình 3). Ví dụ, một chiếc lá màu lục trông có màu này dưới ánh sáng Mặt Trời tự nhiên vì nó phản xạ các bước sóng lục và hấp thụ tất cả những màu sắc khác. Sắc thái, độ sáng, và sự bão hòa màu của ánh sáng màu lục phản xạ được xác định bởi phổ bước sóng chính xác bị phản xạ.


Các sắc tố và thuốc nhuộm chịu trách nhiệm cho đa số màu sắc chúng ta nhìn thấy trong thế giới thực. Mắt, da, và tóc có chứa các protein sắc tố tự nhiên phản xạ màu sắc hình dung ở những người xung quanh chúng ta (tính luôn cả sự hỗ trợ của màu sắc trang điểm mặt và nhuộm tóc). Sách vở, báo chí, bảng hiệu và các bản thông báo in bằng mực màu tạo ra màu sắc thông qua quá trình trừ màu. Tương tự như vậy, xe cộ, máy bay, nhà cửa và những công trình xây dựng khác được sơn lớp nước sơn chứa nhiều sắc tố đa dạng. Khái niệm trừ màu, như đã nói ở trên, là nguyên nhân gây ra đa số màu sắc tạo ra bởi các vật vừa mô tả. Trong nhiều năm trời, những người họa sĩ và thợ in đã tìm kiếm các chất chứa thuốc nhuộm và sắc tố đặc biệt tốt ở việc trừ những màu nhất định.


Tất cả ảnh màu, và những hình khác được sơn hoặc chụp, được tạo ra chỉ bằng bốn loại mực màu – đỏ tươi, lục lam, vàng (các màu cơ bản trừ) và màu đen (xem hình 5). Mực trộn có những màu này với tỉ lệ thay đổi có thể tạo ra màu sắc cần thiết cho việc tái tạo lại hầu như bất kì hình ảnh hoặc màu sắc nào. Ba màu trừ cơ bản có thể (về lí thuyết) dùng độc lập, tuy nhiên các hạn chế của đa số thuốc nhuộm và sắc tố khiến cần phải thêm màu đen mới thu được bình mực màu thực sự. Khi một hình ảnh được chuẩn bị in trong một cuốn sách hoặc tạp chí, trước tiên nó được tách thành các thành phần màu trừ cơ bản, hoặc bằng kĩ thuật nhiếp ảnh hoặc với máy tính như minh họa trong hình 5. Mỗi thành phần màu độc lập được đưa vào một phim dùng chuẩn bị bản in cho màu đó. Ảnh cuối cùng được tạo ra bằng cách in liên tục từng bản màu, chồng lên nhau, bằng mực in thích hợp, hình thành nên một hỗn hợp tái tạo lại diện mạo ban đầu. Việc sơn cũng tương tự như vậy. Những sắc tố chính chứa các màu trừ cơ bản trộn lẫn với nhau hình thành nên những màu khác nhau dùng bình nước sơn pha chế sau cùng.


Hình 5. Bốn bản in màu riêng rẽ

Bài này bao quát nhiều khía cạnh khác nhau của sự cộng và trừ các màu cơ bản. Được dùng trong kính hiển vi để quan sát và chụp ảnh màu, khái niệm về các màu cơ bản cộng và trừ rất quan trọng. Nguồn ánh sáng cho kính hiển vi thường là bóng đèn volfram-halogen có thể phát ra ánh sáng chói có nhiệt độ màu tập trung khoảng 3200K, hoặc đèn hồ quang cho kính hiển vi huỳnh quang tạo ra nhiệt độ màu trong phạm vi 5500K. Đối với người quan sát, những nguồn này trông như ánh sáng trắng có thể bị hấp thụ, khúc xạ, phản xạ, phân cực, và/hoặc truyền qua bởi một mẫu vật nằm trên bàn soi hiển vi. Các quy luật màu cơ bản áp dụng xem mẫu vật tương tác với ánh sáng kính hiển vi như thế nào và xác định màu nào được hiển thị khi mẫu vật được hình dung qua thị kính. Những quy luật này cũng áp dụng được cho phim dùng trong máy quay phim truyền thống hoặc dụng cụ ghi ảnh kĩ thuật số gắn trên kính hiển vi, cả hai đều phụ thuộc vào mối tương quan giữa các màu cơ bản để ghi ảnh.
Nguồn: sưu tầm

Nguyên lý phát , thu truyền hình

Vài nét về ti vi phác họa chút ít về nguyên lý phát thanh truyền hình , thu truyền hình , dưới dạng những câu hỏi và trả lời ngắn ,chắc sẽ giúp chúng ta có được cái nhìn tổng quan về nguyên lý thu phát của truyền hình ( bài có sử dung tài liệu kỹ thuật ti vi)
*)Bạn có biết mỗi ảnh đặc trưng gồm có thông số nào không?
+ hình ảnh có 3 thông số: sắc mầu ; độ bão hòa mầu và độ chói của mầu . ví dụ khi ta vẽ 1 bức tranh trước tiên phác họa bằng nét bút chì , sẽ cho ta bức ảnh đen trắng -->đó chính là thông số về độ chói ( độ chói là ảnh đen trắng) ; sau đó ta dùng mầu xanh để tô--?cho ta thông số về sắc mầu ( xanh) ; khi ta tô mầu đậm thì ta có độ bão hòa màu cao , tô nhạt thì độ bão hòa mau thầp ...../ ti vi đen trắng chỉ truyền đi thông số về độ trói , còn ti vi mầu truyền đi cả 3 thông số của hình ảnh
*)Bạn mở ti vi và chỉnh vào menu ở phần chỉnh mầu sắc thấy có từ TƯƠNG PHẢN , vậy tương phản là gì?
+ Một bức ảnh có nhiều chi tiết ảnh và các chi tiết ảnh có độ chói khác nhau, độ tương phản là tỷ
lệ giữa độ chói cao nhất so với độ chói thấp nhất, tỷ lệ này càng lớn thì độ tương phản càng cao,
ngoài tự nhiên thì độ chênh lệch này là khoảng 10.000 lần nhưng trong truyền hình (Ti vi) thì độ
thay đổi này là khoảng trên 100 lần, trong màn hình máy tính thì độ thay đổi là 256 lần.
*) bạn có biết nguyên lý phát của 1 đài truyền hình như thế nào không?
+ Tiếng nói trên ti vi mà ta nghe được và hình ảnh ta thấy là 2 phần tín hiệu riêng biệt các bạn ạ
+ tiếng nói của con người có dải tần rất hẹp 16HZ - 20Khz, người ta thu nó ở các buổi ghi hình bằng micro . Để có thể truyền đi cùng với tín hiệu hình có dải tần rất cao ( 4,5Mhz-6Mhz) thì người ta điều chế tín hiệu âm thanh đó với sóng mang cao tần 4,5Mhz - 6Mhz bằng phương pháp điều tần (FM)--> ta thu được tín hiệu audio
+  hình ảnh ta thu được bằng camera ở các buổi ghi hình có dải tần từ 0-6Mhz . qua thiết bị camera đó , người ta chèn thêm các xung đồng bộ mành (Hsyn) và xung đồng bộ dòng (Vsyn) --> cho ta tín hiệu video .
( các xung đồng bộ này giúp ti vi có thể quét được hình ảnh 1 các đồng bộ)
==> tín hiệu audio và video đó gặp nhau ở bộ trộn (Mixer), sau bộ trộn là tín hiệu truyền hình tổng hợp gồm ( video + xungHsyn + xung Vsyn + FM)==> đến đây đài phát chỉ cần điều chế tín hiệu truyền hình tổng hợp này bằng phương pháp điều chế  ở các dải băng tần VHF ( 48Mhz-230Mhz ) hoặc UHF (400Mhz-880Mhz) .rồi đưa ra khuếch đại công suất phát và đến antenna để bức xạ ra không gian thật đơn giản phải ko nhỉ
*) thế còn nguyên lý thu truyền hình thì sao nhỉ , đó chính là cái thiết bị người ta gọi là tivi đó các bạn ạ
+ các sóng truyền hình của các đài phát khác nhau thi nhau đập vào anten của ti vi nhà mình , dải sóng nào cũng đòi được vào bên trong để phát hình , nhưng chỉ có 1 dải được đi vào mà thôi , dải đó chính là kênh mà người sử dụng muốn xem , đến đây quá đơn giản nếu ai đã đọc bài radio rồi vì ở ti vi cũng vậy , để chọn lọc kênh muốn xem thì người ta sử dụng bẫy cộng hưởng song song để chọn tần số trùng với tần số cộng hưởng được phép đi vào .sau khi đã qua cửa ải chọn lọc đó thì tín hiệu siêu cao tần chứa tin tức của ta phải qua bộ đổi tần để đưa từ siêu cao tần (VHF hoặc UHF) về dạng nguyên thủy trung tần IF của nó (6Mhz). còn về mạch trộn tần thế nào thì chúng ta đã được biết qua bài radio rồi đúng không? ( gồm khuếch đại cao tần + mạch trộn + dao động nội) . sau khi đưa về trung tần rồi thì tín hiệu của ta gồm 3 phần chính ( video + xung đồng bộ + FM) , 3 phần này được đưa vào 3 phần riêng biệt để xử lý.
+) FM thì ta lại tiếp tục đổi tần về trung tần tiếng (10,7Mhz) rồi tách lấy tín hiệu tiếng và khuếch đại rồi đưa ra loa
+) tín hiệu video nhờ có các tín hiệu xung đồng bộ nó sẽ được phóng lên đèn hình rồi phát hình
Nguồn: sưu tầm

Các loại máy thu hình


Ti vi đen trắng vỏ gỗ
ti vi đen trắng vỏ kim loại có núm chọn kênh
Ti vi màu vỏ gỗ bóng hình cong
Ti vi màu vỏ nhựa màn hình cong

Ti vi màn hinh phẳng
Màn hình tinh thể lỏng HD/ Full HD
Ti vi màn hình công nghệ 3D

Lịch sử phát triển của tivi analog

Không có cá nhân nào được coi là nhà phát minh duy nhất của TV. Dân số bùng nổ những năm cuối thế kỷ 19 đã làm nảy ra ý tưởng về một hệ thống có thể truyền hình ảnh qua không trung và ý tưởng này được nhiều nhà nghiên cứu tập trung hiện thực hóa. Nỗ lực của họ thăng hoa trong những năm 1920, khi hai nhà khoa học Mỹ Charles Francis Jenkins và nhà khoa học Anh John Logie Baird trong ảnh đã tạo ra vật mẫu thành công đầu tiên của chiếc TV. 
 Năm 1927, một người Mỹ trẻ tuổi là Philo Taylor Farnsworth đã phát triển thành công phiên bản thương mại ống tia cực âm (vật bằng kính trong ảnh) nhằm phát tín hiệu truyền hình điện tử và đây là bước đột phá trong nghệ truyền hình của nhân loại.
 Nhiều nhà phát minh đã nỗ lực rồi thất bại trong việc khai thác thương mại sản phẩm TV. Tới cuối những năm 1930, một vài tiêu chuẩn của công nghệ TV cùng xuất hiện và cạnh tranh để thống trị thị trường non trẻ này. Một trong những sản phẩm chiếm ưu thế là chiếc EMI-Marconi trong ảnh chụp năm 1950 có thể chạy 25 khung hình trên một giây và khá phổ biến tại Anh. Một tiêu chuẩn TV khác có thể chạy 30 khung hình trên giây và chủ yếu phát triển tại Mỹ.
 Chiếc TV thương mại thành công đầu tiên bắt đầu xuất hiện tại các showroom ở Mỹ vào đầu những năm 1950. Đám đông trong ảnh đang theo dõi lễ đăng quang của Nữ hoàng Anh Elizabeth qua chiếc TV đặt trong tủ kính của Trung tâm Rockefeller tại New York. 
 Sự phát triển của truyền hình đã đưa các thần tượng nghệ thuật vào tận các phòng khách nhiều gia đình khắp nước Mỹ, giúp các nam diễn viên như Milton Berle, Jack Benny và Henny Youngman (trong TV của bức ảnh) trở nên nổi tiếng. 
 Ngay khi nhận thấy nội dung trên TV có giá trị khai thác, các công ty lập tức lao vào chạy đua trong ngành truyền hình. Thực tế này dẫn đến sự cần thiết phải có quy định về tần số phát sóng của các kênh. Đây là bức ảnh chụp năm 1952 tại Mỹ với các kiểu cần antenna thu phát sóng truyền hình khác nhau.
 Có lẽ không sự kiện nào chứng tỏ sức mạnh của TV như việc phát trực tiếp những bước đi lịch sử của nhà du hành Mỹ Neil Amstrong trên mặt trăng, ngày 20/1/1969
 Nỗ lực phát triển TV màu xuất hiện từ đầu những năm 1950 và chiếc đầu tiên được hãng RCA giới thiệu năm 1954. Nhưng phải đến những năm 1960 việc bán các TV màu mới bắt đầu sinh lợi. Tới năm 1974 (khi bức ảnh này được chụp trong phòng khách sạn Delmonico New York) thì TV màu đã trở thành biểu tượng cho các gia đình giàu có tại Mỹ
 Khi TV đã phổ biến trong các gia đình Mỹ, giới phát minh lại lao vào tìm cách thu nhỏ chúng để khách hàng có thể xem bất cứ đâu khi đang đi trên đường. Năm 1959, hãng Philco đưa vào thị trường chiếc TV chỉ có màn hình rộng 2 inch và có thể thu cả sóng radio. 
 Cho tới những năm 1980, ngành truyền hình Mỹ do 3 mạng lưới chính thống trị, trong khi khán giả tại các nước châu Âu và châu Á bị giới hạn trong các lựa chọn chương trình. Nhưng với sự xuất hiện của công nghệ truyền hình cáp và vệ tinh đã khiến tình hình thay đổi và khán giả có nhiều lựa chọn đa dạng hơn
 Kể từ  ngày 12/6/2009, tất cả các TV công nghệ analog tại Mỹ sẽ được chấm dứt sử dụng, nhường chỗ hoàn toàn cho truyền hình kỹ thuật số. Những thiết bị này sẽ không thể thu phát sóng nếu không có bộ chuyển đổi đặc biệt. Tất cả các hệ truyền hình có trước truyền hình kỹ thuật số như NTSC, PAL hay SECAM đều là truyền hình analog. 
Nguồn: sưu tầm

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

Cấu tạo bóng hình_CRT máy thu hình

0 nhận xét
Ống CRT (Cathode-ray- tube ) được dùng phổ biến trong các thiết bị gia dụng. Các máy thu hình cũng như máy tính PC thường dùng kỹ thuật hiển thị bằng CRT. Kích thước màn hình của CRT không qua 40inch. Kỹ thuật hiển thị của ống CRT theo nguyên lý rọi mặt sau PTV. Màn hiển thị chính là một mặt chỏm cầu của ống chân không. Trong ống các tia điện tử (trong CRT màu có 3 tia điện tử đỏ R, Lục G, lam B) từ các catốt phóng ra. Do sự điều khiển của cuộn lái tia, tia điện tử đập vào điểm phát quang tương ứng trên màn.


Hình 1 biểu thị sự hoạt động của chùm tia điện tử trong ống chân không.




Màn sáng có gắn hàng trăm ngàn điểm phát quang - gọi là nguyên tố ảnh pixel. Mắt người quan sát được nội dung hình ảnh do các pixel phát quang qua lớp thủy tinh bảo vệ. Chất lượng của hình hoàn toàn phụ thuộc sự hoạt động của các tia điện tử (cathode ray) ở bên trong ống chân không. Với nhiều kiểu ống, chất lượng hình của ống CRT có độ tương phản (contrast) cao, độ bão hòa màu (chrominance saturation) cao. Tuy vậy, CRT có khuyết điểm là tiêu hao nhiều năng lượng, trọng lượng của ống lớn.

Câu chuyện về chiếc tivi số phận và tương lai

0 nhận xét

Những chiếc tivi CRT to đùng đã dần thoái trào để nhường chỗ cho các dòng tivi LCD và Plasma ngày cảnh mảnh mai. Thế nhưng trong tương lai gần, những chiếc tivi LCD và Plasma khá mỏng này cũng sẽ bị cạnh tranh quyết liệt từ dòng tivi LED, OLED và 3D. Thực tế cho thấy, chưa bao giờ thị rường tivi lại "rối" như lúc này, rất nhiều chủng loại khác nhau được chào bán với giá cả "làm khó" cho sự lựa chọn của người mua. Để lựa chọn cho mình một chiếc tivi tốt và phù hợp với nhu cầu cụ thể không phải là chuyện dễ dàng, người tiêu dùng cần hiểu rõ bản chất "ưu khuyết’ của từng loại để tránh chọn sai và lãng phí.

Tivi CRT "truyền thống" - lay lắt...
Công nghệ phát hình bằng bóng đèn hình có tuổi thọ đã 69 năm (chiếc tivi đèn hình chính thức xuất hiện từ năm 1939). Do đặc trưng về cấu tạo kỹ thuật nên tivi CRT có kích thước và trọng lượng khá lớn. Chính vì hai nhược điểm trên mà giới hạn của kích thước khung hình lớn nhất hiện nay của dòng tivi này cũng chỉ dừng lại ở mức 29 inch mà thôi.
Ưu điểm: Hiện nay dòng tivi này có giá thành rẻ, dễ sửa chữa vì có nhiều linh kiện thay thế. Tương thích với tín hiệu phát sóng ở VN cũng như khung hình dạng 4:3 chuẩn, không gây biến dạng hình ảnh khi xem các kênh truyền hình analog.
Khuyết điểm: To, nặng, vận chuyển khó khăn, tần số quét hình thấp (chủ yếu ở 50 - 60Hz) nên gây hiện tượng mỏi mắt khi xem nhiều, không thể phát hình ảnh chuẩn HD (High Definition - độ rõ nét cao), phát ra các tia bức xạ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng nếu xem tivi trong thời gian dài. Một nhược điểm khác của tivi CRT là "không thời trang" cho những không gian đẹp và sang trọng.
Cách đây chừng 5 năm, để "cứu vớt" chiếc tivi CRT đang trên đà dự báo là sẽ "tiệt vong", các hãng sản xuất điện tử hàng đầu trên thế giới như Sony, Toshiba, LG, Samsung..., do đã làm chủ được công nghệ bóng đèn hình CRT, đã cho ra đời thế hệ tivi CRT Slim có kích thước mỏng hơn, nhẹ hơn cũng như chất lượng hình ảnh hiển thị đã được nâng lên đáng kể. Đây là dòng tivi được nhiều người, chủ yếu là đối tượng có thu nhập thấp quan tâm khi họ chưa có điều kiện mua những chiếc tivi có công nghệ hiện đại hơn như tivi LCD chẳng hạn. Với giá vừa phải, tivi CRT Slim còn được bổ sung thêm các tính năng mới như: chóng méo hình bốn gốc, tần số quét đạt đến 100Hz giúp đỡ mỏi mắt khi xem lâu, loa cho âm thanh vòm 3D và màu sắc trung thực hơn các thế hệ trước. Nhưng chiếc tivi này chỉ có kích thước 29 inch, vẫn không đạt chuẩn HD và thiếu nhiều ngõ giao tiếp hiện đại.
Chiếc tivi CRT đã phát triển tới giai đoạn cuối, mặc dù tăng tầng số quét lên đến 100Hz cùng các công nghệ tạo hình ảnh đẹp nhất có thể nhưng vẫn không thể nào sánh kịp những TV LCD, plasma, LED, OLED từ kiểu dáng cho đến chất lượng hiển thị hình ảnh. Vào thời điểm hiện tại, tuổi thọ của các loại tivi CRT, LCD, plasma, LED tương đương nhau (khoảng 45.000 giờ, tương đương 5 năm xem liên tục 24/24). Những chiếc tivi CRT giờ đã chuyển đổi địa bàn hoạt động: tiến về nông thôn, nhường phố thị cho những chiếc tivi LCD, LED...
 
Tivi LCD - thống lĩnh phố thị
Công nghệ màn hình LCD được sử dụng rộng rãi từ những năm 1970 với những sản phẩm đầu tiên là mặt của những chiếc đồng hồ điện tử. Màn hình LCD là một dạng tinh thể lỏng được ghép giữa hai tấm thủy tinh nền, nó thay đổi tính chất khi có dòng điện chạy qua. Ban đầu LCD chỉ là loại màn hình đen trắng nhưng sau này được phát triển thêm màu. Về công nghệ phát sáng, chiếc tivi LCD cần một hệ thống đèn chiếu sáng lưng (đèn huỳnh quang âm cực lạnh CCFL) để hiển thị hình ảnh vì bản thân nó không tự phát sáng được.
Ngày nay, tivi LCD đang là mặt hàng đang "làm mưa làm gió" trên thị trường do hình dáng bắt mắt, màu sắc rực rỡ, nhiều cổng kết nối, hỗ trợ nhiều chuẩn hình phân giải cao cùng giá ngày càng xuống thấp. Ngày xưa, tivi LCD là mơ ước của nhiều người tiêu dùng vì giá quá "chát"; còn giờ đây, với kích thước 32 inch, nhiều hãng đã hạ giá chỉ còn khoảng 5,4 - 8 triệu đồng. Các doanh nghiệp trong nước như Tiến Đạt, Hanel, Viettronic Tân Bình, gần đây là Đông Á (với nhãn hiệu tivi SAM) đã sản xuất mặt hàng này nhưng vì chất lượng và kiểu dáng không đẹp nên chấp nhận thua cuộc ngay chính trên mảnh đất Việt.
Chiếc tivi LCD có những ưu điểm: mỏng, nhẹ, thiết kế đẹp, có thể treo lên tường nhà tiết kiệm không gian, hình ảnh đạt chuẩn HD (720p/1080p), màu sắc trung thực, nhiều cổng giao tiếp như HDMI, Component, VGA, Optical..., hiển thị hình ảnh trong môi trường nhiều ánh sáng tốt hơn các dòng tivi khác, tiết kiệm điện...
Nhưng dòng tivi này còn khá nhiều khuyết điểm chủ quan và khách quan. Do dùng đèn chiếu sáng nền "backlight" nên tông màu đen/trắng của tivi LCD không trung thực bằng tivi Plasma. Nếu dùng tivi LCD thưởng thức phim HD hay chơi game sẽ "hợp mắt" hơn coi chương trình truyền hình vì dòng tivi LCD thuộc dạng wide 16:9, còn các chương trình truyền hình trong nước lại phát chuẩn 4:3, gây ra hiện tượng "lùn hình".
Khi mua tivi LCD dùng để xem hình ảnh từ đĩa DVD và các chương trình truyền hình, bạn chỉ cần chọn các dòng LCD giá rẻ vì khó phân biệt chất lượng hình ảnh giữa dòng cao cấp và phổ thông bằng mắt thường. Còn nếu có khả năng tài chính và thường xem phim HD, hãy đầu tư một chiếc tivi LCD Full-HD.
Tivi plasma - bỏ thì thương...
Dòng tivi này từ khi sinh ra đã gặp khá nhiều lời khen chê, nếu so sánh với tivi LCD. Sau nhiều năm không ngừng cải tiến, có thể nói plasma đã "hoàn thiện" hơn rất nhiều. Có thể kể đến những yếu tố như: giảm kích thước, mỏng hơn, tăng độ phân giải lên 1080p, giá thành sản xuất ngang bằng với LCD. Đặc biệt, hiện nay tivi plasma có thể tạo ra những tấm nền (plasma display panel - PDP) với kích thước nhỏ (26 inch) đến lớn (150 inch).
Dù ít được người tiêu dùng quan tâm, nhưng về mặt kỹ thuật, tivi plasma có những ưu điểm như: hình ảnh đạt chuẩn HD (720p/1080p), khả năng hiển thị hình ảnh có chiều sâu và màu sắc chân thật hơn nhiều so với tivi LCD. Dòng tivi này đáp ứng những hình ảnh chuyển động nhanh cũng như những mảng màu tối tốt hơn tivi LCD. Còn góc nhìn "thực" rộng hơn nhiều so với tivi LCD (một vài LCD ghi là góc nhìn 1780 nhưng thực tế thấp hơn). Tivi plasma dùng để xem truyền hình tại Việt Nam cho hình ảnh tốt hơn tivi LCD nhiều. Khuyết điểm của dòng tivi này là thường xuyên xảy ra hiện tượng "chết hình" khi hiển thị cùng một hình ảnh hay một chi tiết trong thời gian dài. Tivi plasma thường hư bộ phận nguồn và hao điện hơn tivi LCD.
Plasma thích hợp với những căn phòng thiếu ánh sáng, phù hợp với phim hành động. Nếu chọn mua tivi plasma nên "chấm" những tên tuổi lớn là Pioneer, Samsung, LG và Panasonic vì đây là những hãng còn "mặn mà" với công nghệ plasma. Hiện trên thị trường có bán khoảng vài chục model tivi plasma có kích thước từ 42 inch trở lên với giá thấp nhất là 12 triệu đồng. Rẻ hơn tivi LCD cùng kích thước.
Tivi LED - vẫn còn là chuyện tương lai
Công nghệ chiếu sáng bằng đèn nền LED đang ngày càng được nhiều hãng sử dụng trong sản xuất tivi LCD. Thay vì sử dụng đèn huỳnh quang CCFL trong thế hệ đầu tiên của LCD, các tấm nền LCD thế hệ mới được chiếu sáng bằng rất nhiều đèn LED nhỏ. Samsung gọi đây là những chiếc tivi LED, còn trong ngành công nghiệp điện tử, chúng vẫn được gọi là tivi LCD thế hệ đèn LED. Có hai kiểu bố trí đèn nền LED: gắn trực tiếp phía sau panel như LCD và gắn xung quanh (phía sau) màn hình LCD. Lợi thế của việc gắn trực tiếp nhằm điều chỉnh tăng hoặc giảm chế độ tương phản bằng cách cho một số đèn LED tắt để tăng khả năng thể hiện màu đen sâu hơn. Còn kỹ thuật gắn xung quanh cho phép tạo ra những màn hình mỏng, thời trang. Sony là hãng đầu tiên cho ra đời tivi LED chứ không phải Samsung; nhưng Samsung phát triển và thương mại hóa tivi LED tốt hơn.
Vì có thiết kế đèn như vậy nên chiếc tivi LED có thiết kế bề dày mỏng, nhẹ, tiết kiệm điện, màu sắc sáng rực rỡ hơn với tần số quét cao (200Hz), có nhiều tiện ích bổ sung như: kết nối Wi-Fi, xem phim HD trực tiếp, chia sẻ và kết nối không dây đến các thiết bị số trong gia đình.
Dù trên thị trường Việt Nam đã có khoảng 8 - 10 model tivi LED của 3 hãng: Sony, Samsung và LG nhưng giá vẫn còn cao (thấp nhất là model Samsung B6000 - 14,9 triệu đồng) nên dòng sản phẩm này chưa được người tiêu dùng quan tâm.
Thế hệ tivi LED chỉ là bước chuyển tiếp từ LCD lên OLED mà thôi, đa phần các hãng sản xuất tivi trên thế giới đang tập trung cho kế hoạch OLED nên LED sẽ bị "quay lưng" trong thời gian gần tới đây. Còn nếu ngay từ bây giờ không thể đợi nổi thế hệ tivi OLED (giá sẽ rất cao) thì tivi LED là sự lựa chọn hợp lý.

Tivi OLED & 3D - 5 năm nữa!
Về công nghệ, dòng tivi OLED sẽ là sự thay thế hoàn hảo cho tivi LCD bởi có thể thiết kế mỏng hơn, tiết kiệm điện hơn và cho hình ảnh đẹp hơn rất nhiều lần những thế hệ tivi LCD, plasma hiện nay. Panel của tivi OLED cấu tạo từ các tấm mỏng có nguồn gốc từ hợp chất hữu cơ có khả năng phát ánh sáng khi được cung cấp điện năng, kỹ thuật này ưu việt hơn hẳn cách chiếu ánh sáng nền từ phía sau như màn hình LCD, LED và plasma. Hình ảnh của tivi OLED sáng và rõ nét nhưng tiêu thụ ít điện năng hơn công nghệ màn hình LED hay LCD. Công nghệ này cho phép sản xuất những chiếc tivi dày chỉ vài mm và thậm chí có thể cuộn lại khi không dùng đến. Hiện màn hình OLED có kích thước nhỏ đang được dùng khá nhiều trong các thiết bị như: ĐTDĐ, smartphone, PDA, máy nghe nhạc số... Sony là hãng sản xuất đầu tiên trên thế giới chính thức bán ra màn hình OLED 11 inch mang tên XEL-1 (giá 2.500 USD). Tại Triễn lãm CES 2010 vừa qua, Sony đã tiếp tục ghi kỷ lục mới cho thị trường bằng chiếc tivi OLED kích thước đến 24,5 inch. Các hãng khác như LG, Samsung, Toshiba, Panasonic... cũng đang ráo riết đưa công nghệ OLED này vào sản phẩm của họ trong năm 2010. Tivi OLED vẫn còn hạn chế về kích thước và giá thành sản xuất ra tấm nền (panel) còn quá cao. Cần phải thêm một thời gian nữa thì những tivi công nghệ OLED này mới được phổ cập rộng rãi hơn vì chờ đợi giá rẻ và cũng là điều kiện để kiểm tra độ bền và sự ổn định về công nghệ.
Sony cũng là hãng sản xuất tivi đầu tiên giới thiệu chiếc tivi Bravia 3D kết hợp với máy chơi game PS3 trình diễn trò chơi đua xe và người xem phải đeo một loại kính đặc biệt để có thể chiêm ngưỡng các hình ảnh nổi y như thật. Cùng với việc hàng loạt những bộ phim 3D ra mắt trên thế giới trong thời gian qua, điều đó chứng tỏ càng ngày người ta càng muốn xem những hình ảnh chân thực và sống động hơn. Chiếc tivi 3D hoạt động bằng cách liên tục thay đổi khung hình bên trái và phải của video. Người xem đeo kính đồng bộ với màn hình. Mắt trái chỉ nhìn được khung hình trái và mắt phải cho khung phải, tạo ảo giác về độ sâu. Để quay những phim 3D cần phải sử dụng 2 máy quay riêng biệt được đặt cạnh nhau (hoặc một máy nhưng 2 "mắt"), chúng có hoạt động, và căn hình giống như mắt người giúp có thể nhìn được bên trái và phải một hình ảnh. Những hình ảnh này sau đó sẽ được thu thập rồi chỉnh sửa và chuyển thành những hình ảnh 3D thông qua một bộ xử lý chuyên biệt.
Nghe thì đơn giản như vậy nhưng để có được chiếc tivi 3D là một mặt hàng bán rộng rãi trên thị trường, chắc phải chờ... 10 năm nữa. Chờ vậy!
CRT: cathode ray tube, bóng đèn chân không.
LCD: liquid crystal display, màn hình tinh thể lỏng.
Plasma: plasma display panel (PDP), hỗn hợp khí hiếm trong các cell được kích điện biến thành thể plasma phát ra ánh sáng cực tím mà sau đó kích thích chất phosphor phát ra ánh sáng có thể nhìn thấy được.
LED: light-emitting diode, diode phát quang.
OLED: organic light-emitting diode, diode phát quang hữu cơ.
Nguồn : mediazone.vn

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Phân tích sơ đồ khối Máy thu hình

0 nhận xét
Phân tích sơ đồ khối Máy thu hình
Nội dung : Phân tích sơ đồ khối của máy thu hình đen trắng, Mô tả sự hoạt động của đài truyền hình.
       1. Sơ đồ khối Ti vi đen trắng.

 
Sơ đồ khối máy thu hình đen trắng .
    Máy thu hình đen trắng là hội tụ tất cả những kiến thức cơ bản của kỹ thuật truyền hình, hiểu máy thu hình đen trắng là cơ sở để tiếp cận với máy thu hình mầu và máy thu hình kỹ thuật số.
   Máy thu hình đen trắng bao gồm các khối chính sau :
  • Bộ kênh : Có nhiệm vụ thu tín hiệu sóng mang từ các đài phát sau đó đổi tần về tín hiệu IF, cung cấp cho mạch khuếch đại trung tần.
  • Khối trung tần : Khuếch đại tín hiệu trung tần và tách sóng thị tần để tách tín hiệu Video tổng hợp ra khỏi sóng mang , tín hiệu thu được sau tách sóng gồm có tín hiệu Video, xung H.syn, xung V.syn và tín hiệu FM.
  • Tầng khuếch đại thị tần :  Từ tín hiệu Video tổng hợp, tín hiệu video được tách ra đi vào tầng khuếch đại thị tần, tầng KĐ thị tần khuếch đại tín hiệu video lên biên độ đủ mạnh rồi đưa vào Katôt đèn hình để điều khiển dòng phát xạ, tái tạo lại hình ảnh trên màn hình.
  • Đèn hình : Chuyển đổi tín hiệu truyền hình thành hình ảnh quang học, khôi phục lại ảnh giống phía phát.
  • Khối đồng bộ : Hai xung đồng bộ được gửi sang máy thu từ phía phát có nhiệm vụ điều khiển khối quét dòng và quét mành của máy thu quét cùng tần số như bên phát để khôi phục lại hình ảnh, hai xung này được tách ra sau tách sóng thị tần và được khuếch đại qua khối đồng bộ, sau đó xung H.syn đi tới điều khiển mạch dao động dòng, xung V.syn đi tới điều khiển mạch dao động mành.
  • Khối quét dòng : Nhiệm vụ của khối quét dòng là tạo  ra các mức điện áp cao cung cấo cho đèn hình hoạt động, đồng thời cung cấp xung dòng cho cuộn lái ngang để lái tia điện tử quét theo chiều ngang.
  • Khối quét mành : Nhiệm vụ của khối quét mành là tạo ra xung mành cung cấp cho cuộn lái tia, lái tia điện tử dãn theo chiều dọc
  • Khối đường tiếng : Khuếch đại tín hiệu điều tần FM, sau đó tách sóng điều tần để lấy ra tín hiệu âm tần và khuếch đại qua tầng công xuất rối đưa ra loa.
 Mô tả sự hoạt động của đài truyền hình




Nguồn: kythuatvien.vn

Máy thu thanh và những câu hỏi cần trả lời.

0 nhận xét
Câu 1: Thế nào là máy thu thanh?
Câu 2: có mấy loại máy thu thanh?
Câu 3: Làm thế nào để truyền âm thanh (tín hiệu âm tần) đi xa?
Câu 4: Thế nào là điều chế? Điều chế AM khác điều chế FM như thế nào?
Câu 5: Em cho biết nguyên lý làm việc của mạch dao động LC
Câu 6: Tần số dao động của mạch LC được tính như thế nào
Câu 7: Muốn thay đổi tần số của mạch dao động ta làm như thế nào?
Câu 8: Tại sao khi tháo anten của máy thu thanh thì độ nhạy của máy thu giảm đi?
Câu 9: Khi ta vặn núm chọn sóng tức là ta đang tác động vào khối nào? cụ thể là linh kiện nào?
Câu 10: Tại sao ở một thời điểm máy thu thanh chỉ thu được 1 sóng ?
Câu 11: Máy thu thanh gồm những khối nào? Tóm tắt chức năng của từng khối?
Câu 12: Sơ đồ mạch tách sóng gồm những linh kiện cơ bản nào? Nêu chức năng từng linh kiện?
Câu 13: Nêu tóm tắt nguyên lý làm việc của mạch tách sóng?
Câu 14: Theo em đồ thị dạng sóng từ khuếch đại trung tần vẽ như trong sách giáo khoa là đúng hay sai?
Câu 15: Máy thu thanh AM có tần số sóng trung tần là bao nhiêu?
Câu 16: Máy thu thanh FM có tần số sóng trung tần là bao nhiêu?
Câu 17: Trong 2 loại sóng AM, Fm sóng nào cho chất lượng âm thanh tốt hơn?
Câu 18: Tại sao khi bắt sóng AM lại hay bị nhiễu sóng khi có thiết bị phát sóng ở gần ví dụ: xe máy, ô tô đang chạy hoặc sóng điện thoại?
Câu 19: Em hãy cho biết lịch sử phát triển của máy thu thanh?
Câu 20: Micro hoạt động như thế nào?
Câu 21: Em hãy mô tả quá trình phát tín hiệu âm thanh ở đài phát?
Câu 22: Cho biết quá trình truyền sóng trong không gian?
Câu 23: Quá trình phát sóng AM khác FM như thế nào?

Nguyên lý thu sóng Radio băng AM , FM

0 nhận xét
1. Nguyên lý thu sóng Radio băng AM
a)  Sơ đồ khối của Radio băng AM :
Sơ đồ khối mạch Radio băng AM
Xung quanh máy thu thanh có vô số các sóng điện từ từ các đài phát khác nhau gửi tới, nhiệm vụ của máy thu là chọn lấy một tần số rồi khuyếch đại , sau đó tách sóng để lấy ra tín hiệu âm tần. Mạch thu sóng Radio AM có các mạch như sau :
·         Mạch cộng hưởng và khuếch đại cao tần (RF Amply) thu tín hiệu từ một đài phát bằng nguyên lý cộng hưởng, sau đó khuếch đại tín hiệu cho đủ mạnh cung cấp cho mạch đổi tần .
·         Mạch dao động nội ( OSC )  tạo dao động cung cấp  cho mạch đổi tần .
·         Mạch đổi  tần ( Mixer ) trộn hai tín hiệu RF và tín hiệu OSC để tạo ra tín hiệu trung tần IF, IF là tín hiệu có tần số cố định bằng 455KHz
·         Mạch khuếch đại trung tần ( IF Amply ) : Khuếch đại tín hiệu IF lên biên độ đủ lớn cung cấp cho mạch tách sóng .
·         Mạch tách sóng ( Detect ) Tách tín hiệu âm tần ra khỏi sóng mang cao tần .
b) Mạch cộng hưởng cao tần, dao động nội và đổi tần.

Mạch cộng hưởng RF, dao động OSC & đổi tần Mixer
Chú thích :
·         Mạch cộng hưởng cao tàn (RF Amply) bao gồm : Tụ xoay C1 đấu song song với cuộn dây L1 quấn trên thanh ferit tạo thành mạnh mạch dao động LC, mạch thu sóng theo nguyên lý cộng hưởng, có rất nhiều sóng mang có tần số khác nhau từ các đài phát cùng đi tới máy thu, khi tần số dao động của mạch trùng với sóng mang của một đài phát thì tín hiệu sóng mang của đài phát đó được cộng hưởng và biên độ tăng lên gấp nhiều lần, tín hiệu này được thu vào thông qua cuộn thứ cấp của cuộn dây và được  khuếch đại qua đèn Q1, sau đó đưa sang mạch đổi tần, C1 là tụ xoay có thể thay đổi giá trị, khi ta chỉnh núm Tuning chính là chỉnh tụ xoay C1 làm trị số C1 biến đổi => tần số cộng hưởng của mạch thay đổi .
·         Mạch OSC gồm tụ xoay C2 đấu song song với cuộn L2 tạo thành mạch dao động, tụ xoay C2 được gắn chung với tụ C1 và hai tụ này đựơc chỉnh để thay đổi giá trị đồng thời, dao động nội có tần số luôn luôn thấp hơn tần số cộng hưởng RF một lượng không đổi.
·         Mạch đổi tần : đèn Q2 làm nhiệm vụ đổi tần, tín hiệu cao tần RF được đưa vào cực B, tín hiệu dao động nội được đưa vào cực E , tín hiệu lấy ra trên cực C gọi là IF ( tín hiệu trung tần) có giá trị không đổi bằng 455KHz
IF = RF - OSC
c) Mạch chuyển băng
Băng sóng AM thường được chia ra làm hai hoặc ba băng là
-  Băng sóng trung MW có dải tần từ 526,5KHz đến 1606,5KHz
-  Băng sóng ngắn 1 :  SW1 có dải tần từ 2,3MHz đến 7,3MHz
-  Băng sóng ngắn 2 : SW2 có dải tần từ 7,3MHz đến 22MHz
Dưới đây là sơ đồ mạch chuyển băng, khi ta chuyển giữa các băng sóng, tụ xoay sẽ tiếp vào các điểm được đấu với cuộn dây có số vòng dây khác nhau => làm cho tần số cộng hưởng thay đổi.

Chuyển băng giữa các băng sóng Radio AM
d) Mạch khuếch đại trung tần ( IF Amply)

Mạch khuếch đại trung tần IF Amply
Sau khi đổi tần, tín hiệu IF được khuếch đại qua hai tầng khuếch đại có cộng hưởng, các biến áp trung tần T1, T2, T3 cộng hưởng ở tần số 455KHz đồng thời làm nhiệm vụ nối tầng và phối hợp trở kháng . các biến áp này có vít điều chỉnh nhằm điều chỉnh cho biến áp cộng hưởng đúng tần số .
e) Mach tách sóng AM

Mạch tách sóng AM
Sau khi tín hiệu IF được khuếch đại qua hai tầng khuếch đại trung tần, tín hiệu IF được đưa sang mạch tách sóng
Mạch tách sóng bao gồm Diode D1 tách lấy bán kỳ dương của tín hiệu sau đó được mạch lọc RC ( R1, C1, C2) lọc bỏ thành phần cao tần , ở đầu ra ta thu được tín hiệu âm tần là đường bao của tín hiệu cao tần.
Chính mạch lọc RC của mạch tách sóng AM đã loại bỏ mất các thành phần tần số cao của tín hiệu âm tần, do đó chất lượng âm thanh bị giảm.
2. Nguyên lý thu sóng Radio băng FM

Mạch Radio sử dụng IC xử lý cho cả hai băng sóng AM (mầu đỏ ) và FM( mầu xanh)
Băng sóng FM có mạch RF và OSC tương tự băng sóng AM , tuy nhiên tần số của băng FM cao hơn rất nhiều băng sóng AM vì vậy các cuộn dây cộng hưởng cho băng sóng FM thường không có lõi ferit,  mạch IF của băng FM sử dụng thạch anh cộng hưởng ở tần số 10,7 MHz
nguồn kythuatvien.vn

Nguyên lý phát thanh trên sóng AM , FM

0 nhận xét
   1. Nguyên lý phát thanh trên sóng AM
   a) Khái niệm về tín hiệu âm tần ( Audio ) :
        Tín hiệu âm tần là tín hiệu của sóng âm thanh sau khi được đổi thành tín hiệu điện thông qua Micro.
   Sóng âm thanh là một dạng sóng cơ học truyền trong không gian, khi sóng âm thanh va chạm vào màng Micro làm cho màng Micro rung lên, làm cho cuộn dây gắn với màng Micro được đặt trong từ trường của nam châm dao động, hai đầu cuộn dây ta thu được một điện áp cảm ứng => đó chính là tín hiệu âm tần .

Micro đổi sóng âm thanh thành tín hiệu âm tần (Audio)
    Tín hiệu âm tần có giải tần từ 20Hz đến 20KHz và không có khả năng bức xạ thành sóng điện từ để truyền trong không gian, do đó để truyền tín hiệu âm tần đi xa hàng trăm, hàng ngàn Km. Người ta phải giử tín hiệu âm tần cần truyền vào sóng cao tần gọi là sóng mang, sau đó cho sóng mang bức xạ thành sóng điện từ truyền đi xa với vận tốc ánh sáng.
   b) Khái niệm về tín hiệu cao tần và sóng điện từ.
     Tín hiệu cao tần là các tín hiệu điện có tần số trên 30KHz, tín hiệu cao tần có tính chất bức xạ thành sóng điện từ. Thí dụ trên một dây dẫn có tín hiệu cao tần chạy qua , thì dây dẫn có một sóng gây can nhiễu ra xung quanh, đó chính là sóng điện từ do dòng điện cao tần bức xạ ra không gian.
     Sóng điện từ : Là sóng truyền dẫn trong không gian với vận tốc bằng vận tốc ánh sáng, có tần số từ 30KHz đến hàng ngàn MHz, cong người đã sử dụng sóng điện từ trong các lĩnh vực thông tin , vô tuyến điện , truyền thanh, truyền hình, trong đó Radio là lĩnh vực truyền thanh chiếm giải tần từ 30KHz đến khoảng 16MHz với các sóng điều chế AM, và từ 76MHz đến 130MHz với các sóng điều chế FM.
   c) Quá trình điều chế AM ( Amplitude Moducation : Điều chế biên độ )
    Điều chế AM là quá trình điều chế tín hiệu tần số thấp(  như tín hiệu âm tần, tín hiệu video ) vào tần số cao tần theo phương thức => Biến đổi biên độ tín hiệu cao tần theo hình dạng của tín hiệu âm tần => Tín hiệu cao tần thu được gọi là sóng mang.


Tín hiệu vào và ra của mạch điều chế AM
    Tín hiệu âm tần có thể lấy từ Micro sau đó khuếch đại qua mạch khuếch đại âm tần, hoặc có thể lấy từ các thiết bị khác như đài Cassette, Đầu đĩa CD ..
    Tín hiệu cao tần được tạo bởi mạch tạo dao động, tần số cao tần là tần số theo quy định của đài phát.
    Tín hiệu đầu ra là sóng mang có tần số bằng tần số cao tần, có biên độ thay đổi theo tín hiệu âm tần.
 d) Quá trình phát tín hiệu ở đài phát .

Quá trình phát sóng Radio AM
     Tín hiệu sau khi điều chế thành sóng mang được khuếch đại lên công xuất hàng ngàn Wat sau đó được truyền ra Anten phát .
   Sóng điện từ phát ra từ Anten truyền đi trong không gian bằng vận tốc của ánh sáng, sóng AM có thể truyền đi rất xa hàng ngàn Km và chúng truyền theo đường thẳng, và cũng có các tính chất phản xạ, khúc xạ như ánh sáng.
   e) Đường truyền từ đài phát đến máy thu cách  nửa vòng trái đất.
    Với các đài phát ở xa cách chúng ta nửa vòng trái đất như đài BBC phát từ Anh Quốc, sóng điện từ truyền theo đường thẳng gặp tầng điện ly chúng phản xạ xuống trái đất rồi lại phản xạ ngược lên nhiều lần mới đến được máy thu, vì vậy tín hiệu đi tới máy thu rất yếu và sóng không ổn định
   Để có thể truyền tín hiệu đi xa, các đài phát thường phát ở băng sóng ngắn có tần số sóng mang  từ 4 MHz đến khoảng 23 MHz .


Đường truyền sóng của các Đài phát ở xa máy thu
   f) Ưu và nhược điểm của phát thanh trên sóng AM
 
   Ưu điểm :
của sóng AM là có thể truyền đi xa tới hàng nghìn Km
     Nhược điểm : của sóng AM là dễ bị can nhiễu, dải tần âm thanh bị cắt sén do đặc điểm của mạch tách sóng điều biên, do đó chất lượng âm thanh bị  hạn chế.
    2. Nguyên lý phát thanh trên sóng FM
    FM là viết tắt của ( Fryquency Moducation : Điều chế tần số ) là điều chế theo phương thức làm thay đổi tần số của tín hiệu cao tần theo biên độ của tín hiệu âm tần, khoảng tần số biến đổi là 150KHz
    Sóng FM  là sóng cực ngắn đối với tín hiệu Radio, sóng FM thường phát ở dải tần từ 76MHz đến 108MHz
    a) Mạch điều chế FM

Điều chế FM ( Fryquency Moducation : Điều chế tần số )
    Với mạch điều chế tần số thì sóng mang có biên độ không đổi, nhưng tần số thay đổi theo biên độ của tín hiệu âm tần, khi biên độ tín hiệu âm tần tăng thì tần số cao tần tăng, khi biên độ âm tần giảm thì tần số cao tần giảm.  Như vậy sóng mang FM có tần số tăng giảm theo tín hiệu âm tần và giới hạn tăng giảm này là +150KHz và -150KHz , như vậy tần số sóng mang điều tần có dải thông là 300KHZ.
   Thí dụ nếu đài tiếng nói việt nam phát trên sóng FM 100MHz thì nó truyền đi một dải tần từ 99,85 MHz đến 100,15 MHz.
     b) Quá trình phát sóng FM
    Quá trình phát sóng FM tương tự như phát sóng AM, sóng mang sau khi điều chế cũng được khuếch đại rồi đưa ra An ten để phát xạ truyền đi xa
   c) Ưu và nhược điểm của sóng FM .
    Sóng FM có nhiều ưu điểm về mặt tần số, dải tần âm thanh sau khi tách sóng điều tần có chất lượng rất tốt,  cho âm thanh trung thực và có thể truyền âm thanh Stereo , sóng FM ít bị can nhiễu hơn só với sóng AM.
    Nhược điểm của sóng FM là cự ly truyền sóng ngắn, chỉ truyền được cự ly từ vài chục đến vài trăm Km , do đó sóng FM thường được sử dụng làm sóng phát thanh trên các địa phương.
Nguồn kythuatvien.vn

Cấu tạo màn hình tinh thể lỏng_LCD

0 nhận xét

Màn hình tinh thể lỏng (liquid crystal display, LCD) là loại thiết bị hiển thị cấu tạo bởi các tế bào (các điểm ảnh) chứa tinh thể lỏng có khả năng thay đổi tính phân cực của ánh sáng và do đó thay đổi cường độ ánh sáng truyền qua khi kết hợp với các kính lọc phân cực. Chúng có ưu điểm là phẳng, cho hình ảnh sáng, chân thật và tiết kiệm năng lượng. 
Lịch Sử
Được sản xuất từ năm 1970, LCD là một loại vật chất phản xạ ánh sáng khi điện thế thay đổi. Nó hoạt động dựa trên nguyên tắc ánh sáng nền (Back Light). Nó bao gồm một lớp chất lỏng nằm giữa 2 lớp kiếng phân cực ánh sáng. Bình thường, khi không có điện áp, các tinh thể này được xếp thẳng hàng giữa hai lớp cho phép ánh sáng truyền qua theo hình xoắn ốc. Hai bộ lọc phân cực, 2 bộ lọc màu và 2 bộ cân chỉnh sẽ xác định cường độ ánh sáng đi qua và màu nào được tạo ra trên một pixel. Khi có điện áp cấp vào, lớp canh chỉnh sẽ tạo một vùng điện tích, canh chỉnh lại các tinh thể lỏng đó. Nó không cho phép ánh sáng đi qua để hiện thị lên hình ảnh tại vị trí điểm ảnh đó. Các điểm ảnh trong màn hình LCD là một transistor cực nhỏ ở 1 trong 2 chế độ: cho phép ánh sáng đi qua hoặc không. Điểm ảnh bao gồm 3 yếu tố màu: đỏ, xanh lá, xanh dương. Các màn hình LCD trước đây thường tiêu thụ điện năng nhiều, độ tương phản thấp cho đến khi các nhà khoa học người Anh tìm ra "Biphenyl" - vật liệu chính của tinh thể lỏng, thì LCD mới thực sự phổ biến. LCD xuất hiện đầu tiên trong các máy tính cầm tay, trò chơi điện tử cầm tay, đồng hồ điện tử, … LCD ngày nay được thiết kế nhỏ gọn, nhẹ, chiếm ít không gian, chất lượng hình ảnh tốt, tiêu thụ ít năng lượng và đang thay thế dần màn hình CRT truyền thống
Cấu tạo




Cấu trúc các lớp của một màn hình tinh thể lỏng đen trắng không tự phát sáng (thường thấy trên máy tính bỏ túi).
1.Kính lọc phân cực thẳng đứng để lọc ánh sáng tự nhiên đi vào.
2.Lớp kính có các điện cực ITO. Hình dáng của điện cực là hình cần hiển thị.
3.Lớp tinh thể lỏng.
4.Lớp kính có điện cực ITO chung.
5.Kính lọc phân cực nằm ngang.
6.Gương phản xạ lại ánh sáng cho người quan sát.
Có hai kiểu cấu tạo màn hình tinh thể lỏng chính, khác nhau ở thiết kế nguồn sáng.
Trong kiểu thứ nhất, ánh sáng được phát ra từ một đèn nền, có vô số phương phân cực như các ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng này được cho lọt qua lớp kính lọc phân cực thứ nhất, trở thành ánh sáng phân cực phẳng chỉ có phương thẳng đứng. Ánh sáng phân cực phẳng này được tiếp tục cho truyền qua tấm thủy tinh và lớp điện cực trong suốt để đến lớp tinh thể lỏng. Sau đó, chúng tiếp tục đi tới kính lọc phân cực thứ hai; có phương phân cực vuông góc với kính lọc thứ nhất, rồi đi tới mắt người quan sát. Kiểu màn hình này thường áp dụng cho màn hình màu ở máy tính hay TV. Để tạo ra màu sắc, lớp ngoài cùng, trước khi ánh sáng đi ra đến mắt người, có kính lọc màu.
Ở loại màn hình tinh thể lỏng thứ hai, chúng sử dụng ánh sáng tự nhiên đi vào từ mặt trên và có gương phản xạ nằm sau, dội ánh sáng này lại cho người xem. Đây là cấu tạo thường gặp ở các loại màn hình tinh thể lỏng đen trắng trong các thiết bị bỏ túi. Do không cần nguồn sáng nên chúng tiết kiệm năng lượng. 
 Phân loại sản phẩm
1. LCD ma trận thụ động
LCD ma trận thụ động (dual scan twisted nematic, DSTN LCD) có đặc điểm là đáp ứng tín hiệu khá chậm (300ms) và dễ xuất hiện các điểm sáng xung quanh điểm bị kích hoạt khiến cho hình có thể bị nhòe. Các công nghệ được ToshibaSharp đưa ra là HPD (hybrid passive display), cuối năm 1990, bằng cách thay đổi công thức vật liệu tinh thể lỏng để rút ngắn thời gian chuyển đổi trạng thái của phân tử, cho phép màn hình đạt thời gian đáp ứng 150ms và độ tương phản 50:1. Sharp và Hitachi cũng đi theo một hướng khác, cải tiến giải thuật phân tích tín hiệu đầu vào nhằm khắc phục các hạn chế của DSTN LCD, tuy nhiên hướng này về cơ bản chưa đạt được kết quả đáng chú ý. 
2. LCD ma trận chủ động
LCD ma trận chủ động thay thế lưới điện cực điều khiển bằng loại ma trận transistor phiến mỏng (thin film transistor, TFT LCD) có thời gian đáp ứng nhanh và chất lượng hình ảnh vượt xa DSTN LCD. Các điểm ảnh được điều khiển độc lập bởi một transistor và được đánh dấu địa chỉ phân biệt, khiến trạng thái của từng điểm ảnh có thể điều khiển độc lập, đồng thời và tránh được bóng ma thường gặp ở DSTN LCD. 
3. Hoạt động bật tắt cơ bản
Nếu điện cực của một điểm ảnh con không được áp một điện thế, thì phần tinh thể lỏng ở nơi ấy không bị tác động gì cả, ánh sáng sau khi truyền qua chỗ ấy vẫn giữ nguyên phương phân cực, và cuối cùng bị chặn lại hoàn toàn bởi kính lọc phân cực thứ hai. Điểm ảnh con này lúc đó bị tắt và đối với mắt đây là một điểm tối.
Để bật một điểm ảnh con, cần đặt một điện thế vào điện cực của nó, làm thay đổi sự định hướng của các phân tử tinh thể lỏng ở nơi ấy; kết quả là ánh sáng sau khi truyền qua phần tinh thể lỏng ở chỗ điểm ảnh con này sẽ bị xoay phương phân cực đi, có thể lọt qua lớp kính lọc phân cực thứ hai, tạo ra một điểm màu trên tấm kính trước.
4. Hiển thị màu sắc và sự chuyển động

Màu sắc được tạo ra bởi sự phối màu phát xạ từ ba loại điểm ảnh đỏ, lụclam.
Hình ảnh hiện ra trên tấm kính trước là do sự cảm nhận tổng thể tất cả các điểm ảnh, ở đấy mỗi điểm ảnh mang một màu sắc và độ sáng nhất định, được qui định, theo quy tắc phối màu phát xạ, bởi mức độ sánh của ba điểm ảnh con của nó (tỉ lệ của ba màu đỏ, lụclam), tức được qui định bởi việc bật/tắt các điểm ảnh con ấy.
Để làm điều này, cùng một lúc các điện thế thích hợp sẽ được đặt vào các điểm ảnh con nằm trên cùng một hàng, đồng thời phần mềm trong máy tính sẽ ra lệnh áp điện thế vào những cột có các điểm ảnh con cần bật.
Ở mỗi thời điểm, các điểm ảnh ở một trạng thái bật/tắt nhất định - ứng với một ảnh trên màn hình. Việc thay đổi trạng thái bật/tắt của các điểm ảnh tạo ra một hình ảnh chuyển động. Điều này được thực hiện bằng cách áp điện thế cho từng hàng từ hàng này đến hàng kế tiếp (gọi là sự quét dọc) và áp điện thế cho từng cột từ cột này đến cột kế tiếp (sự quét ngang). Thông tin của một ảnh động từ máy tính được chuyển thành các tín hiệu quét dọc và quét ngang và tái tạo lại hình ảnh đó trên màn hình.
Nguồn : vi.wikipedia.org

Nguyên lý của màu sắc và mắt người

0 nhận xét



    Ánh sáng đến từ Mặt Trời gồm một phổ bức xạ điện từ gần như liên tục, với đa số năng lượng tập trung trong vùng bước sóng nằm giữa 220 và 3200 nanomét. Khi chúng truyền qua bầu khí quyển của Trái Đất, đa phần sóng ánh sáng trên 2000nm (các bước sóng hồng ngoại) bị hấp thụ bởi cacbon dioxit, hơi nước, và ozon cho nên đa số chưa bao giờ đến được mặt đất. Các sóng tử ngoại ngắn hơn cũng bị hấp thụ bởi lớp ozon. Hiệu ứng lọc lựa này của bầu khí quyển làm giới hạn phổ ánh sáng đến được mặt đất có bước sóng giữa 320 và 2000nm.

Hình 1. Các bộ cảm thụ quang hình que và hình nón trong mắt người

Mắt người nhạy cảm với một dải hẹp bức xạ điện từ nằm trong vùng bước sóng giữa 400 và 700nm, thường được gọi là phổ ánh sáng khả kiến, đó là nguồn duy nhất của màu sắc. Khi kết hợp với nhau, tất cả các bước sóng có mặt trong ánh sáng khả kiến, khoảng một phần ba toàn dải phân bố phổ truyền qua được bầu khí quyển Trái Đất, hình thành nên ánh sáng trắng không màu có thể bị khúc xạ và tán sắc thành các màu thành phần của nó bằng cách sử dụng lăng kính. Các màu đỏ, lục, và lam trước nay vốn được xem là màu cơ bản vì chúng là cơ sở cho sự nhìn của con người.


Mắt người chứa các cơ quan thụ quang tế bào hình nón (xem hình 1) gắn trong một hố nhỏ ở chính giữa võng mạc được điều chỉnh nhằm phản ứng với các bước sóng nằm trong ba vùng này (đỏ, lục, và lam) với các protein sắc tố chuyên biệt. Tất cả các màu của phổ ánh sáng khả kiến, từ tím tới đỏ, có thể được tạo ra bằng cách cộng hoặc trừ những kết hợp khác nhau của ba màu cơ bản này. Ánh sáng được con người nhận thức là trắng khi cả ba loại tế bào hình nón bị kích thích đồng thời bởi lượng ánh sáng đỏ, lục, và lam bằng nhau. Vì cộng ba màu này mang lại ánh sáng trắng, nên các màu đỏ, lục, và lam được gọi là các màu cộng cơ bản.


Khi chỉ có một hoặc hai loại tế bào hình nón bị kích thích, thì vùng màu sắc cảm nhận được bị giới hạn. Ví dụ, nếu một dải hẹp ánh sáng lục (540 đến 550nm) được dùng để kích thích tất cả các tế bào hình nón, thì chỉ có tế bào nào có chứa cơ quan thụ quang lục mới phản ứng lại, tạo ra cảm giác nhìn thấy màu lục. Sự cảm nhận các màu cộng không cơ bản, ví dụ như màu vàng, có thể phát sinh theo một trong hai cách. Nếu như các tế bào hình nón đỏ và lục bị kích thích đồng thời với ánh sáng vàng đơn sắc có bước sóng 580nm, thì mỗi cơ quan thụ quang tế bào hình nón phản ứng hầu như ngang nhau vì sự chồng lấn phổ hấp thụ của chúng xấp xỉ như nhau trong vùng này của phổ ánh sáng khả kiến. Cùng một cảm giác màu như vậy có thể thu được bằng cách kích thích từng tế bào hình nón đỏ và lục với một hỗn hợp bước sóng đỏ và lục riêng biệt chọn lựa từ các vùng thuộc phổ hấp thụ của cơ quan thụ quang không có sự chồng lấn đáng kể. Kết quả, trong cả hai trường hợp, là sự kích thích đồng thời của các tế bào hình nón đỏ và lục, tạo ra cảm giác màu vàng, mặc dù kết quả cuối cùng thu được bởi hai cơ chế khác nhau. Khả năng cảm nhận những màu sắc khác yêu cầu kích thích một, hai, hoặc cả ba loại tế bào hình nón đến mức độ khác nhau với bộ bước sóng thích hợp.


Nếu như các phần bằng nhau của ánh sáng lục và lam được cộng với nhau, thì màu thu được được gọi là màu lục lam. Tương tự như vậy, các phần bằng nhau của ánh sáng lục và đỏ tạo ra màu vàng, và các phần bằng nhau của ánh sáng đỏ và lam mang lại màu đỏ tươi. Các màu lục lam, đỏ tươi, và vàng thường được gọi là màu bù, vì mỗi phần bù thuộc các màu cơ bản trong hỗn hợp ánh sáng trắng. Màu vàng (đỏ cộng với lục) là phần bù của màu lam vì khi hai màu này cộng với nhau thì ánh sáng trắng được tạo ra. Tương tự, màu lục lam (lục cộng với lam) là phần bù của màu đỏ, và màu đỏ tươi (đỏ cộng với lam) là phần bù của ánh sáng lục.


Hình 2. Các màu cơ bản

Các màu bù (lục lam, vàng, và đỏ tươi) cũng còn được gọi là các màu trừ cơ bản vì mỗi màu có thể hình thành bằng cách trừ đi một trong các màu cộng cơ bản (đỏ, lục, và lam) từ ánh sáng trắng. Ví dụ, ánh sáng vàng được quan sát thấy khi toàn bộ ánh sáng lam bị tách khỏi ánh sáng trắng, màu đỏ tươi được hình thành khi màu lục bị lấy đi, và màu lục lam được tạo ra khi màu đỏ bị tách mất. Màu sắc quan sát thấy bằng cách trừ đi một màu cơ bản khỏi ánh sáng trắng thu được vì não cộng gộp các màu còn lại để tạo ra phần bù hoặc màu trừ tương ứng. Hình 2 minh họa các vòng màu chồng lấn của cả các màu cơ bản cộng và trừ. Những vùng chồng lấn cho biết những màu mới được tạo ra bằng cách cộng hoặc trừ những kết hợp khác nhau sử dụng sáu màu cơ bản này, và cũng cho thấy các màu cộng và trừ bù nhau như thế nào.


Khi bất kì hai màu trừ cơ bản nào được cộng lại, chúng tạo ra một màu cộng cơ bản. Ví dụ, cộng màu đỏ tươi và màu lục lam với nhau tạo ra màu lam, còn cộng màu vàng và màu đỏ tươi với nhau tạo ra màu đỏ. Tương tự, cộng màu vàng với màu lục lam tạo ra màu lục (xem hình 2). Khi cả ba màu trừ cơ bản được cộng lại, ba màu cộng cơ bản sẽ bị lấy khỏi ánh sáng trắng, để lại màu đen (không có bất kì màu nào). Màu trắng không thể tạo ra bằng bất cứ sự kết hợp nào của các màu trừ cơ bản, đó là lí do chủ yếu vì sao không có hỗn hợp nước sơn hoặc mực in nào có thể dùng để in màu trắng.


Một ví dụ hay về sự cộng màu và trừ màu là những thay đổi quan sát thấy ở màu sắc ánh sáng Mặt Trời khi Mặt Trời mọc, truyền trên bầu trời, và khi Mặt Trời lặn. Màu sắc của ánh sáng Mặt Trời thay đổi khi nó truyền qua bầu khí quyển của Trái Đất vì sự va chạm của các photon với những mật độ khác nhau của các phân tử không khí làm loại mất một số màu. Khi Mặt Trời ở cao trên bầu trời vào cuối buổi sáng hoặc đầu buổi chiều, ánh sáng trông có màu vàng. Khi Mặt Trời tiến đến đường chân trời, ánh sáng phải truyền qua phần không khí nhiều hơn và bắt đầu chuyển sang màu cam và rồi thì màu đỏ. Hiện tượng này xảy ra vì không khí hấp thụ một lượng tăng dần ánh sáng lam từ Mặt Trời, chỉ để lại những bước sóng dài hơn trong vùng đỏ của phổ ánh sáng khả kiến.


Hình 3. Sự thay đổi màu theo sự chiếu sáng

Loạt ảnh trong hình 3 là những bức cảnh chụp của một quân bài (con ba cơ), một trái ớt hình quả chuông màu lục, và một chùm nho màu tía-hơi xanh đặt trên nền tối đen. Trong bức ảnh phía bên trái (hình 3a), ba vật được rọi bằng ánh sáng trắng và trông giống như chúng ta mong đợi chúng xuất hiện dưới ánh sáng tự nhiên. Trong bức ảnh thứ hai (hình 3b), các vật được rọi bằng ánh sáng đỏ. Chú ý là quân bài phản xạ toàn bộ ánh sáng đỏ chạm tới nó, đồng thời chỉ có cuống chùm nho và những chỗ óng ánh trắng trên chùm nho và quả ớt phản xạ ánh sáng đỏ. Đa phần ánh sáng đỏ đi tới chùm nho và quả ớt đều bị hấp thụ.


Bức thứ ba của loạt ảnh (hình 3c) biểu diễn các vật dưới sự rọi sáng bằng ánh sáng màu lục. Các kí hiệu trên quân bài bây giờ trông có màu đen và thân quân bài phản xạ ánh sáng màu lục. Chùm nho phản xạ một số ánh sáng lục, còn quả ớt trông bình thường (nhưng óng ánh xanh). Bức ảnh thứ tư (hình 3d) minh họa các vật dưới sự rọi sáng màu lam. Chùm nho trông bình thường với những chỗ nổi bật màu lam, nhưng cuống thì chuyển sang đen và bây giờ không còn nhìn thấy. Quân bài phản xạ ánh sáng lam có các kí hiệu màu đen và quả ớt chỉ phản xạ ánh sáng lam ở những chỗ nổi bật. Loạt ảnh này chứng tỏ một vật trông có màu đỏ (ví dụ, trong ánh sáng trắng) hấp thụ các bước sóng lam và lục, nhưng phản xạ các bước sóng trong vùng đỏ của quang phổ. Do đó vật trông có màu đỏ.


Mắt người nhạy cảm với những sự chênh lệch rất nhỏ về màu sắc và có lẽ có khả năng phân biệt giữa 8-12 triệu sắc thái màu khác nhau. Đa số màu sắc chứa một số phần của toàn bộ bước sóng trong phổ khả kiến. Cái thực sự thay đổi từ màu này sang màu khác là sự phân bố bước sóng trong một màu cho trước. Bước sóng chiếm ưu thế xác định sắc thái cơ bản của màu sắc có thể là, ví dụ, màu tía, màu mòng két, màu be, màu hồng hoặc màu cam. Tỉ số của bước sóng ưu thế và những bước sóng khác xác định độ bão hòa màu của vật và xem nó trông bão hòa nhạt hay đậm. Cường độ màu và hệ số phản xạ của vật được quan sát xác định độ sáng của màu (ví dụ, màu lam tối hoặc lam nhạt). Điều này được minh họa thú vị bên dưới đây bằng Cây màu Munsell, trong đó mỗi màu được biểu diễn bằng một vị trí riêng ở trên cây (xem hình 4). Giá trị màu được biểu diễn bằng sự sắp đặt trên đường tròn, và độ bão hòa được biểu diễn bằng khoảng cách ngang của một màu tính từ trục ở chính giữa, và độ sáng được biểu diễn bằng vị trí đứng trên thân cây.


Hình 4. Cây màu Munsell

Phần nhiều trong bài này tập trung vào tính chất của ánh sáng trắng liên quan đến sự cộng màu và trừ màu của ánh sáng khả kiến truyền đi có thể hình dung trên màn hình máy tính hoặc ti vi. Tuy nhiên, đa số cái thực sự quan sát thấy là ánh sáng phản xạ từ những vật xung quanh chúng ta, như những người khác, nhà cửa, xe cộ, phong cảnh, vân vân… Những vật này tự chúng không tạo ra ánh sáng, mà phát ra màu bằng một quá trình gọi là phép trừ màu, trong đó những bước sóng ánh sáng nhất định bị trừ đi (hấp thụ) và những bước sóng khác thì phản xạ lại (như minh họa trong hình 3). Ví dụ, một chiếc lá màu lục trông có màu này dưới ánh sáng Mặt Trời tự nhiên vì nó phản xạ các bước sóng lục và hấp thụ tất cả những màu sắc khác. Sắc thái, độ sáng, và sự bão hòa màu của ánh sáng màu lục phản xạ được xác định bởi phổ bước sóng chính xác bị phản xạ.


Các sắc tố và thuốc nhuộm chịu trách nhiệm cho đa số màu sắc chúng ta nhìn thấy trong thế giới thực. Mắt, da, và tóc có chứa các protein sắc tố tự nhiên phản xạ màu sắc hình dung ở những người xung quanh chúng ta (tính luôn cả sự hỗ trợ của màu sắc trang điểm mặt và nhuộm tóc). Sách vở, báo chí, bảng hiệu và các bản thông báo in bằng mực màu tạo ra màu sắc thông qua quá trình trừ màu. Tương tự như vậy, xe cộ, máy bay, nhà cửa và những công trình xây dựng khác được sơn lớp nước sơn chứa nhiều sắc tố đa dạng. Khái niệm trừ màu, như đã nói ở trên, là nguyên nhân gây ra đa số màu sắc tạo ra bởi các vật vừa mô tả. Trong nhiều năm trời, những người họa sĩ và thợ in đã tìm kiếm các chất chứa thuốc nhuộm và sắc tố đặc biệt tốt ở việc trừ những màu nhất định.


Tất cả ảnh màu, và những hình khác được sơn hoặc chụp, được tạo ra chỉ bằng bốn loại mực màu – đỏ tươi, lục lam, vàng (các màu cơ bản trừ) và màu đen (xem hình 5). Mực trộn có những màu này với tỉ lệ thay đổi có thể tạo ra màu sắc cần thiết cho việc tái tạo lại hầu như bất kì hình ảnh hoặc màu sắc nào. Ba màu trừ cơ bản có thể (về lí thuyết) dùng độc lập, tuy nhiên các hạn chế của đa số thuốc nhuộm và sắc tố khiến cần phải thêm màu đen mới thu được bình mực màu thực sự. Khi một hình ảnh được chuẩn bị in trong một cuốn sách hoặc tạp chí, trước tiên nó được tách thành các thành phần màu trừ cơ bản, hoặc bằng kĩ thuật nhiếp ảnh hoặc với máy tính như minh họa trong hình 5. Mỗi thành phần màu độc lập được đưa vào một phim dùng chuẩn bị bản in cho màu đó. Ảnh cuối cùng được tạo ra bằng cách in liên tục từng bản màu, chồng lên nhau, bằng mực in thích hợp, hình thành nên một hỗn hợp tái tạo lại diện mạo ban đầu. Việc sơn cũng tương tự như vậy. Những sắc tố chính chứa các màu trừ cơ bản trộn lẫn với nhau hình thành nên những màu khác nhau dùng bình nước sơn pha chế sau cùng.


Hình 5. Bốn bản in màu riêng rẽ

Bài này bao quát nhiều khía cạnh khác nhau của sự cộng và trừ các màu cơ bản. Được dùng trong kính hiển vi để quan sát và chụp ảnh màu, khái niệm về các màu cơ bản cộng và trừ rất quan trọng. Nguồn ánh sáng cho kính hiển vi thường là bóng đèn volfram-halogen có thể phát ra ánh sáng chói có nhiệt độ màu tập trung khoảng 3200K, hoặc đèn hồ quang cho kính hiển vi huỳnh quang tạo ra nhiệt độ màu trong phạm vi 5500K. Đối với người quan sát, những nguồn này trông như ánh sáng trắng có thể bị hấp thụ, khúc xạ, phản xạ, phân cực, và/hoặc truyền qua bởi một mẫu vật nằm trên bàn soi hiển vi. Các quy luật màu cơ bản áp dụng xem mẫu vật tương tác với ánh sáng kính hiển vi như thế nào và xác định màu nào được hiển thị khi mẫu vật được hình dung qua thị kính. Những quy luật này cũng áp dụng được cho phim dùng trong máy quay phim truyền thống hoặc dụng cụ ghi ảnh kĩ thuật số gắn trên kính hiển vi, cả hai đều phụ thuộc vào mối tương quan giữa các màu cơ bản để ghi ảnh.
Nguồn: sưu tầm

Nguyên lý phát , thu truyền hình

0 nhận xét
Vài nét về ti vi phác họa chút ít về nguyên lý phát thanh truyền hình , thu truyền hình , dưới dạng những câu hỏi và trả lời ngắn ,chắc sẽ giúp chúng ta có được cái nhìn tổng quan về nguyên lý thu phát của truyền hình ( bài có sử dung tài liệu kỹ thuật ti vi)
*)Bạn có biết mỗi ảnh đặc trưng gồm có thông số nào không?
+ hình ảnh có 3 thông số: sắc mầu ; độ bão hòa mầu và độ chói của mầu . ví dụ khi ta vẽ 1 bức tranh trước tiên phác họa bằng nét bút chì , sẽ cho ta bức ảnh đen trắng -->đó chính là thông số về độ chói ( độ chói là ảnh đen trắng) ; sau đó ta dùng mầu xanh để tô--?cho ta thông số về sắc mầu ( xanh) ; khi ta tô mầu đậm thì ta có độ bão hòa màu cao , tô nhạt thì độ bão hòa mau thầp ...../ ti vi đen trắng chỉ truyền đi thông số về độ trói , còn ti vi mầu truyền đi cả 3 thông số của hình ảnh
*)Bạn mở ti vi và chỉnh vào menu ở phần chỉnh mầu sắc thấy có từ TƯƠNG PHẢN , vậy tương phản là gì?
+ Một bức ảnh có nhiều chi tiết ảnh và các chi tiết ảnh có độ chói khác nhau, độ tương phản là tỷ
lệ giữa độ chói cao nhất so với độ chói thấp nhất, tỷ lệ này càng lớn thì độ tương phản càng cao,
ngoài tự nhiên thì độ chênh lệch này là khoảng 10.000 lần nhưng trong truyền hình (Ti vi) thì độ
thay đổi này là khoảng trên 100 lần, trong màn hình máy tính thì độ thay đổi là 256 lần.
*) bạn có biết nguyên lý phát của 1 đài truyền hình như thế nào không?
+ Tiếng nói trên ti vi mà ta nghe được và hình ảnh ta thấy là 2 phần tín hiệu riêng biệt các bạn ạ
+ tiếng nói của con người có dải tần rất hẹp 16HZ - 20Khz, người ta thu nó ở các buổi ghi hình bằng micro . Để có thể truyền đi cùng với tín hiệu hình có dải tần rất cao ( 4,5Mhz-6Mhz) thì người ta điều chế tín hiệu âm thanh đó với sóng mang cao tần 4,5Mhz - 6Mhz bằng phương pháp điều tần (FM)--> ta thu được tín hiệu audio
+  hình ảnh ta thu được bằng camera ở các buổi ghi hình có dải tần từ 0-6Mhz . qua thiết bị camera đó , người ta chèn thêm các xung đồng bộ mành (Hsyn) và xung đồng bộ dòng (Vsyn) --> cho ta tín hiệu video .
( các xung đồng bộ này giúp ti vi có thể quét được hình ảnh 1 các đồng bộ)
==> tín hiệu audio và video đó gặp nhau ở bộ trộn (Mixer), sau bộ trộn là tín hiệu truyền hình tổng hợp gồm ( video + xungHsyn + xung Vsyn + FM)==> đến đây đài phát chỉ cần điều chế tín hiệu truyền hình tổng hợp này bằng phương pháp điều chế  ở các dải băng tần VHF ( 48Mhz-230Mhz ) hoặc UHF (400Mhz-880Mhz) .rồi đưa ra khuếch đại công suất phát và đến antenna để bức xạ ra không gian thật đơn giản phải ko nhỉ
*) thế còn nguyên lý thu truyền hình thì sao nhỉ , đó chính là cái thiết bị người ta gọi là tivi đó các bạn ạ
+ các sóng truyền hình của các đài phát khác nhau thi nhau đập vào anten của ti vi nhà mình , dải sóng nào cũng đòi được vào bên trong để phát hình , nhưng chỉ có 1 dải được đi vào mà thôi , dải đó chính là kênh mà người sử dụng muốn xem , đến đây quá đơn giản nếu ai đã đọc bài radio rồi vì ở ti vi cũng vậy , để chọn lọc kênh muốn xem thì người ta sử dụng bẫy cộng hưởng song song để chọn tần số trùng với tần số cộng hưởng được phép đi vào .sau khi đã qua cửa ải chọn lọc đó thì tín hiệu siêu cao tần chứa tin tức của ta phải qua bộ đổi tần để đưa từ siêu cao tần (VHF hoặc UHF) về dạng nguyên thủy trung tần IF của nó (6Mhz). còn về mạch trộn tần thế nào thì chúng ta đã được biết qua bài radio rồi đúng không? ( gồm khuếch đại cao tần + mạch trộn + dao động nội) . sau khi đưa về trung tần rồi thì tín hiệu của ta gồm 3 phần chính ( video + xung đồng bộ + FM) , 3 phần này được đưa vào 3 phần riêng biệt để xử lý.
+) FM thì ta lại tiếp tục đổi tần về trung tần tiếng (10,7Mhz) rồi tách lấy tín hiệu tiếng và khuếch đại rồi đưa ra loa
+) tín hiệu video nhờ có các tín hiệu xung đồng bộ nó sẽ được phóng lên đèn hình rồi phát hình
Nguồn: sưu tầm

Các loại máy thu hình

0 nhận xét

Ti vi đen trắng vỏ gỗ
ti vi đen trắng vỏ kim loại có núm chọn kênh
Ti vi màu vỏ gỗ bóng hình cong
Ti vi màu vỏ nhựa màn hình cong

Ti vi màn hinh phẳng
Màn hình tinh thể lỏng HD/ Full HD
Ti vi màn hình công nghệ 3D

Lịch sử phát triển của tivi analog

0 nhận xét
Không có cá nhân nào được coi là nhà phát minh duy nhất của TV. Dân số bùng nổ những năm cuối thế kỷ 19 đã làm nảy ra ý tưởng về một hệ thống có thể truyền hình ảnh qua không trung và ý tưởng này được nhiều nhà nghiên cứu tập trung hiện thực hóa. Nỗ lực của họ thăng hoa trong những năm 1920, khi hai nhà khoa học Mỹ Charles Francis Jenkins và nhà khoa học Anh John Logie Baird trong ảnh đã tạo ra vật mẫu thành công đầu tiên của chiếc TV. 
 Năm 1927, một người Mỹ trẻ tuổi là Philo Taylor Farnsworth đã phát triển thành công phiên bản thương mại ống tia cực âm (vật bằng kính trong ảnh) nhằm phát tín hiệu truyền hình điện tử và đây là bước đột phá trong nghệ truyền hình của nhân loại.
 Nhiều nhà phát minh đã nỗ lực rồi thất bại trong việc khai thác thương mại sản phẩm TV. Tới cuối những năm 1930, một vài tiêu chuẩn của công nghệ TV cùng xuất hiện và cạnh tranh để thống trị thị trường non trẻ này. Một trong những sản phẩm chiếm ưu thế là chiếc EMI-Marconi trong ảnh chụp năm 1950 có thể chạy 25 khung hình trên một giây và khá phổ biến tại Anh. Một tiêu chuẩn TV khác có thể chạy 30 khung hình trên giây và chủ yếu phát triển tại Mỹ.
 Chiếc TV thương mại thành công đầu tiên bắt đầu xuất hiện tại các showroom ở Mỹ vào đầu những năm 1950. Đám đông trong ảnh đang theo dõi lễ đăng quang của Nữ hoàng Anh Elizabeth qua chiếc TV đặt trong tủ kính của Trung tâm Rockefeller tại New York. 
 Sự phát triển của truyền hình đã đưa các thần tượng nghệ thuật vào tận các phòng khách nhiều gia đình khắp nước Mỹ, giúp các nam diễn viên như Milton Berle, Jack Benny và Henny Youngman (trong TV của bức ảnh) trở nên nổi tiếng. 
 Ngay khi nhận thấy nội dung trên TV có giá trị khai thác, các công ty lập tức lao vào chạy đua trong ngành truyền hình. Thực tế này dẫn đến sự cần thiết phải có quy định về tần số phát sóng của các kênh. Đây là bức ảnh chụp năm 1952 tại Mỹ với các kiểu cần antenna thu phát sóng truyền hình khác nhau.
 Có lẽ không sự kiện nào chứng tỏ sức mạnh của TV như việc phát trực tiếp những bước đi lịch sử của nhà du hành Mỹ Neil Amstrong trên mặt trăng, ngày 20/1/1969
 Nỗ lực phát triển TV màu xuất hiện từ đầu những năm 1950 và chiếc đầu tiên được hãng RCA giới thiệu năm 1954. Nhưng phải đến những năm 1960 việc bán các TV màu mới bắt đầu sinh lợi. Tới năm 1974 (khi bức ảnh này được chụp trong phòng khách sạn Delmonico New York) thì TV màu đã trở thành biểu tượng cho các gia đình giàu có tại Mỹ
 Khi TV đã phổ biến trong các gia đình Mỹ, giới phát minh lại lao vào tìm cách thu nhỏ chúng để khách hàng có thể xem bất cứ đâu khi đang đi trên đường. Năm 1959, hãng Philco đưa vào thị trường chiếc TV chỉ có màn hình rộng 2 inch và có thể thu cả sóng radio. 
 Cho tới những năm 1980, ngành truyền hình Mỹ do 3 mạng lưới chính thống trị, trong khi khán giả tại các nước châu Âu và châu Á bị giới hạn trong các lựa chọn chương trình. Nhưng với sự xuất hiện của công nghệ truyền hình cáp và vệ tinh đã khiến tình hình thay đổi và khán giả có nhiều lựa chọn đa dạng hơn
 Kể từ  ngày 12/6/2009, tất cả các TV công nghệ analog tại Mỹ sẽ được chấm dứt sử dụng, nhường chỗ hoàn toàn cho truyền hình kỹ thuật số. Những thiết bị này sẽ không thể thu phát sóng nếu không có bộ chuyển đổi đặc biệt. Tất cả các hệ truyền hình có trước truyền hình kỹ thuật số như NTSC, PAL hay SECAM đều là truyền hình analog. 
Nguồn: sưu tầm